• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cảnh báo tình trạng nhiều doanh nghiệp "ôm" đất rồi bỏ hoang

- Khung giá đất đã được chốt và giữ nguyên mức cao nhất là 81 triệu đồng mỗi m2. Ông nghĩ sao về ý kiến, dù nỗ lực nhưng khung giá đất vẫn không thể bắt kịp giá thị trường?


Ông Trần Trọng Hanh.
- Tôi cho rằng, không nên tiếp tục điều chỉnh khung giá đất, bởi điều sẽ gây ra áp lực đối với đời sống người dân. Giá đất, giá nhà là vấn đề chiến lược. Mục tiêu là phải giảm xuống chứ không phải tăng lên để đuổi theo thị trường. Giá đất đuổi theo thị trường sẽ không chủ động được, rất nguy hiểm. Giá đất tăng sẽ khiến thuế chuyển đổi đất, thuế sử dụng đất hằng năm tăng.

- Nhưng nếu khung giá đất giảm sẽ rất khó cho công tác giải phóng mặt bằng, bởi người dân sẽ không chấp nhận di dời nếu giá đền bù thấp, thưa ông?

- Đó là vấn đề mang tính tình huống, quá độ. Tôi cho rằng, giai đoạn quá độ này chỉ nên trong khoảng thời gian 5-10 năm. Nhà nước cần giảm tải giá đất giá nhà, đó mới là mong đợi của dân. Theo tôi, biện pháp chiến lược là giảm tải áp lực đối với Thủ đô và xây dựng đô thị theo kiểu phi tập trung, tạo điều kiện về mạng lưới giao thông, giúp người dân có thể mua nhà, mua đất ở các khu vực xa.

- Thực tế có tình trạng nhiều chủ đầu tư "ôm" hàng loạt dự án nhưng lại để hoang hóa, ông nhận định sao về điều này?

- Tôi cho rằng, đây là vấn đề hết sức nguy hiểm và đáng quan ngại. Các doanh nghiệp đều mong muốn có đất xây cơ sở để đảm bảo công ăn việc làm của mình. Lợi ích của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng, nhưng lại đi ngược lại với lợi ích quốc gia và xã hội. Nếu doanh nghiệp ôm đất như vậy, nông dân mất ruộng, đầu tư hạ tầng không có, đất để hoang hóa sẽ gây thiệt hại rất nhiều. Việc phát triển tràn lan ra ven đô sẽ tạo ra một siêu thành phố bị nhiều áp lực và có thể dẫn đến căn bệnh đô thị của thế kỷ 21. Căn bệnh này cần chấm dứt càng sớm càng tốt.

- Mới đây, Hà Nội đã ra thông điệp quyết tâm thu hồi hàng loạt các dự án treo dù trước đó đã rất nhiều lần gia hạn thêm cho các chủ đầu tư. Vậy theo ông, quyết tâm này sẽ thực hiện được đến đâu?

- Bản chất của quy hoạch treo là những dự án thiếu vốn, quy hoạch không khả thi hoặc đã có quy hoạch nhưng không có chủ đầu tư. Rà soát dự án liên quan đến vấn đề đền bù. Những vướng mắc cần phải giải quyết một cách có lý, có tình và phải hết sức cẩn thận. Về quyết tâm thu hồi dự án treo, tôi cho rằng rất đáng để hoan nghênh nhưng thực tế không đơn giản. Tôi cũng đang rất quan ngại quyết tâm thu hồi trên chỉ là chỉ "hô khẩu hiệu".

- Mỗi lần thông tin quy hoạch đưa ra là đất Hà Nội lại tăng giá chóng mặt và có nhiều biến động. Vậy làm sao để hạn chế tình trạng trên thưa ông?

- Quy hoạch chung của Thủ đô vẫn cần nghiêm túc chỉnh sửa cho đúng quy luật phát triển. Đất đai tăng giá chủ yếu do thông tin không rõ ràng, thổi phồng lên. Do đó, việc định giá đất của nhà nước phải mang tính chiến lược lâu dài, mang tính quy luật chứ đừng mang tính thổi phồng. Quản lý nhà nước phải mang tính ổn định lâu dài. Chúng ta phải thật bình tĩnh để đừng rơi nguy cơ "một cục kim cương không mua nổi một mét vuông đất". Nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là cần phải có thông tin minh bạch và đối sách từng trường hợp.

Theo tài liệu báo cáo của UBND TP Hà Nội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, trong tổng số khoảng 264 dự án chậm triển khai do chưa giải phóng xong mặt bằng hoặc các nguyên nhân khách quan khác, mới chỉ có 54 dự án đi vào hoạt động. Thành phố nhấn mạnh, đối với các dự án chậm triển khai còn lại sau khi được gia hạn 1 năm kể từ ngày 1/2/2010, nếu không đưa đất vào sử dụng sẽ bị thu hồi.

UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiểm tra chi tiết để phân loại xử lý. Đối với những dự án cố tình không chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, không có năng lực tài chính, Hà Nội cũng cương quyết thu hồi.

(Theo Vnexpress)

  • 0
  • By Admin
  • 11/12/2010
  • 17