Càng nhiều sàn, nguy cơ lừa đảo càng cao?
>> Mua nhà qua sàn và câu chuyện “thả gà ra đuổi”Sau khi ký hợp đồng độc quyền với chủ đầu tư, nhiều sàn giao dịch BĐS tự tung tự tác, quảng cáo, tiếp thị, rao bán sản phẩm rầm rĩ, thậm chí còn cấu kết với một số sàn giao dịch BĐS “ma” để thu lợi bất chính khiến thị trường BĐS càng thêm mập mờ…
Khách hàng cần thận trọng khi giao dịch tại các sàn BĐS (Ảnh minh họa) |
Càng nhiều sàn, nguy cơ lừa đảo càng cao?
Liên quan đến sự việc của ông V.P, N.T.H, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua đã có khá nhiều khách hàng bị sàn giao dịch BĐS lừa đảo. Một số vụ việc đã được cơ quan phát hiện xử lý. Về vấn đề này, đại diện của sàn HEBICO thừa nhận: “Hành vi lừa đảo khách hàng của một số sàn BĐS thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của những sàn làm ăn đứng đắn. Tôi rất mong các cơ quan chức năng lập lại trật tự cho thị trường BĐS đang còn nhiều bấp bênh và khá ảm đạm”.Được biết, trong năm 2010, ở Hà Nội có xấp xỉ 4 nghìn giao dịch với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng. Việc thủ tục lập sàn giao dịch BĐS khá dễ dàng, cộng với thị trường này còn nhiều tiềm năng, là mảnh đất màu mỡ của nhà đầu tư nên tình trạng các sàn BĐS mọc lên như nấm. Để thu hút khách hàng, nhiều sàn đã “vẽ” ra những con số biệt thự, căn hộ được bán ra khá ấn tượng. Trong khi thị trường BĐS đang khó khăn, nhưng với khả năng “thiên biến, vạn hoá” nhiều dự án, sau khi tung ra chỉ vài ngày, đã được chủ đầu tư công bố đã bán gần hết. Với những cam kết: “Ký hợp đồng với chủ đầu tư”, trong khi ngay chính bản thân sàn cũng không biết “mặt ngang, mũi dọc” dự án ra sao đã khiến nhiều khách hàng như lạc vào ma trận. Cách làm này không khác gì so với cách các trung tâm môi giới nhà đất và “cò đất” đã từng khiến cho thị trường BĐS bị nhiễu thông tin, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và trên hết là thiệt hại cho khách hàng - những người có nhu cầu muốn mua nhà thực sự.
Theo ông Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty kinh doanh BĐS có tiếng ở Hà Nội nhận xét: “Thực tế hiện nay cho thấy, không ít chủ đầu tư lách luật gây thiệt thòi cho người mua. Việc nhiều sàn giao dịch BĐS chưa tuân thủ các quy định của pháp luật đang khiến thị trường BĐS ngày càng thiếu minh bạch, gây tâm lý hoang mang cho người mua. Mặt khác, các chủ đầu tư cũng tìm nhiều cách né tránh việc giao dịch BĐS qua sàn. Bên cạnh đó, có không ít sàn giao dịch BĐS tuy không ký hợp đồng phân phối sản phẩm với chủ đầu tư nhưng vẫn tự quảng cáo với khách hàng là có chức năng bán sản phẩm rồi thu tiền đặt cọc, thu tiền chênh lệch bừa bãi, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và uy tín của các chủ đầu tư. Điều đó cho thấy, vấn đề quản lý chất lượng sàn giao dịch BĐS hiện là một bài toán khó đối với các cơ quan chức năng và phụ thuộc nhiều vào ý thức của các doanh nghiệp trong việc thành lập sàn giao dịch BĐS”. “Sự kém minh bạch của thị trường BĐS là một trong những nguyên nhân chính gây “sốt” giá nhà đất trong thời gian vừa qua. Và xem ra hy vọng thị trường BĐS sẽ tươi sáng hơn thông qua sàn giao dịch BĐS giúp lượng giao dịch chính thức tăng, tình trạng đầu tư lòng vòng được hạn chế, suy giảm khả năng đẩy giá bất động sản lên cao xem ra không như dự tính của các nhà kinh tế”, ông Vinh nhận xét.
Sàn đạt chuẩn khó như tìm sao
Theo Thông tư 13 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, tại điểm 2 phần IV của Thông tư này, sàn giao dịch BĐS phải công khai các thông tin về bất động sản cần bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua tại sàn giao dịch để khách hàng biết và đăng ký giao dịch. Thời gian thực hiện công khai tối thiểu 07 ngày tại sàn giao dịch. Khi hết thời hạn công khai theo quy định, chủ đầu tư (hoặc sàn giao dịch bất động sản được uỷ quyền) được tổ chức việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua bất động sản đã công khai. Trường hợp cùng một loại bất động sản có từ 2 khách hàng đăng ký trở lên hoặc số khách hàng đăng ký nhiều hơn số lượng bất động sản thì chủ đầu tư (hoặc sàn giao dịch bất động sản được uỷ quyền) phải thực hiện việc lựa chọn khách hàng theo phương thức bốc thăm hoặc đấu giá.Kể từ sau khi Thông tư 13 được ban hành tháng 5-2008, tính đến nay, Bộ Xây dựng mới công nhận sàn đạt chuẩn với con số hàng chục. Nếu so sánh với hàng chục nghìn văn phòng môi giới, trung tâm giao dịch, siêu thị địa ốc đang cung cấp dịch vụ cho một thị trường rộng lớn trên cả nước thì con số này quả thực quá khiêm tốn.
Công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý Nhà nước không nghiêm nên đã có sàn lập ra chủ yếu để kinh doanh kiếm lợi bằng các chiêu lách luật, thậm chí lừa khách hàng. Hình thức lập sàn và quản lý Nhà nước nếu vẫn giữ như hiện nay thì việc mong ước sàn giao dịch là một chợ bày bán sản phẩm nhà đất công khai để giúp thị trường minh bạch, tránh việc lũng loạn làm giá... xem ra vẫn còn xa.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 05/07/2011
- 17