Cần xử lý nghiêm hơn tình trạng vi phạm Luật Đất đai ở Hà Nội
Nghìn lẻ… một chuyện vi phạm đất vàng
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Hà Nội đã tiến hành thanh tra và kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi 810ha đất của 10 tổ chức có vi phạm trên địa bàn thành phố. “Chúng tôi không coi đây là thành tích hay chiến công, cực chẳng đã thì mới phải làm, nhưng tất cả vì lợi ích chung của xã hội…”- Phó giám đốc Sở TN và MT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa trao đổi với phóng viên như vậy trong buổi làm việc ngày 10-7-2012.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay bên cạnh các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước sử dụng đất được giao một cách hiệu quả làm tư liệu sản xuất; đất quốc phòng được các đơn vị quân đội sử dụng hết công suất, phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống và xây dựng nhà ở cho cán bộ, sĩ quan thì vẫn có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp đang có sai phạm nghiêm trọng, bỏ hoang "đất vàng"… Mới đây, qua rà soát diện tích đất bỏ hoang, cơ quan chức năng đã phát hiện 118 dự án vi phạm Luật Đất đai, chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hiện Hà Nội có tới 508 dự án với tổng diện tích 800ha ở 17 quận, huyện, thị xã "quên" chưa làm thủ tục quản lý đất đai, trong khi vẫn còn 12 địa phương xin hoãn báo cáo thực trạng sử dụng đất. Nhiều dự án được báo cáo là đang xây dựng, song thực tế là đang chờ phê duyệt hoặc bị tạm dừng, nhiều dự án tự chuyển nhượng khi chưa được thành phố chấp thuận. Doanh nghiệp "ôm đất" rồi bỏ hoang hóa, chỉ khổ người dân nhiều năm trời thấp thỏm không dám canh tác vì "đất thuộc diện đã quy hoạch".
Nhà máy Cơ khí công trình cho thuê trái phép hàng ngàn mét vuông đất tại 199 Minh Khai, Hai Bà Trưng |
Vi phạm của các tổ chức rất đa dạng, như “ôm” đất “để dành”, tự ý cho doanh nghiệp khác thuê lại, sử dụng sai mục đích hay cố tình không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường bị thu hồi 8,03ha đất tại 7 xã và 1 thị trấn ở huyện Thạch Thất, đây là khu đất được giao để xây dựng khu đô thị Thạch Thất. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra là 46 tháng, Công ty này vẫn chưa phối hợp với UBND huyện thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai dự án; không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất. Mặt khác, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án này không còn phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển đô thị của Thủ đô. Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, hiện đang sử dụng đất tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, huyện Thường Tín đã không sử dụng 10.000m2 đất sau 45 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê lại đất, vi phạm Điều 15, khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai; Điều 20 Nghị định 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Còn Nhà máy Cơ khí công trình (số 199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bị đề nghị thu hồi hơn 23.742m2 hiện đang cho thuê nhà, văn phòng và kho tàng. Hơn 2000m2 đất tại số 449A và 449B phố Ngọc Lâm, doanh nghiệp này cũng sử dụng đất không hiệu quả, cho thuê sai mục đích. Cũng theo SởTN và MT, Nhà máy Cơ khí công trình đã không lập hồ sơ đăng ký sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước để được ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất từ năm 1996 đến năm 2011.
Có thể nêu thêm nhiều đơn vị bỏ hoang đất như Công ty Cổ phần Cầu 5 Thăng Long bỏ hoang cả khu đất 1.172m2 tại khu bờ Bắc sông Hồng thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên từ năm 2001. Chi nhánh Lương thực Phú Tín thuộc Công ty Lương thực Hà Sơn Bình bỏ hoang cả nghìn mét vuông đất tại tiểu khu Mỹ Lâm thuộc huyện Phú Xuyên. Công ty TNHH Apolootech bỏ hoang và không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hơn 13.000m2 tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ… Không chỉ vi phạm về Luật Đất đai, từ khi có thông báo thanh tra, nhiều đơn vị quản lý sử dụng đất đã không phối hợp với Sở TN-MT như lẩn tránh, lần lữa không gặp hay giao cho người không đủ thẩm quyền giải quyết gây khó khăn, mất thời gian và tiền của của Nhà nước.
Phải xử lý kiên quyết và triệt để
Từ năm 2009 đến 2011 thành phố Hà Nội đã thu hồi đất của hàng chục tổ chức có sai phạm với diện tích gần 216.000m2 và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012 đang chỉ đạo để thu hồi hơn 8.000.000m2 đất vi phạm của hàng chục tổ chức. Nhưng so với thực tế vi phạm thì việc xử lý trên vẫn chưa thấm vào đâu. Các vi phạm đất đai nghiêm trọng chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh, tình trạng thanh tra xong rồi… để đấy còn khá phổ biến. Theo ông Trịnh Việt Dân, Phó chánh thanh tra SởTN và MT: Trong quá trình thanh tra và thiết lập hồ sơ đã tiến hành phân loại vi phạm, nguyên nhân do chủ quan hay khách quan và thái độ chủ động khắc phục vi phạm. Nếu có thể thì sẽ gia hạn thời gian từ 3 tháng đến một năm. Nhưng có những đơn vị đã được gia hạn đến 2 lần (Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đạt), mà vẫn chưa có động tĩnh khắc phục vi phạm. Trong buổi tiếp xúc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày 12-7-2012, anh Cấn Văn Đạt, 36 tuổi, có cửa hàng tạp hóa đối diện Nhà máy Cơ khí công trình ở 199 Minh Khai, Hai Bà Trưng, quả quyết cho rằng: “Việc tiến hành thu hồi đất ở đây khó có thể thực hiện được vì đó là dự án lớn, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi nhà đầu tư”. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: “Các vi phạm đều xử lý theo quy định của luật, không có chuyện phân ra dự án nhỏ hay lớn. Có điều, các dự án lớn trong quá trình triển khai thường gặp phải nhiều lý do khách quan dẫn tới bị chậm trễ, nhất là do chính sách thay đổi qua nhiều thời kỳ hoặc do khiếu kiện... Thời gian tới, tất cả 10 khu đất đã quyết định đều sẽ thu hồi được”.
Vì sự nghiêm minh của pháp luật và kỷ cương phép nước, tình trạng trên không thể kéo dài. Chúng tôi được biết, UBND TP Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố phải xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm nghiêm trọng về đất đai, cụ thể là việc thu hồi các dự án chậm triển khai mà Sở TN và MT đã kiến nghị. Dư luận mong rằng việc xử lý nghiêm minh các vi phạm đất đai sẽ sớm trở thành hiện thực, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm này, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
(Theo QĐND)
- 152
- By Admin
- 21/07/2012
- 17