• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cẩn trọng khi dùng "sổ đỏ" vay tiền

Cần tiền, người dân sẵn sàng đưa “sổ đỏ” của gia đình qua các “cò” bằng những bản hợp đồng có công chứng mà nhìn vào có thể thấy “nguy cơ rủi ro” khá cao, để “thế chấp vay vốn ngân hàng”, mà không biết rằng, sau đó “sổ đỏ”, nhà đất của họ đã bị đem bán hoặc gán nợ nhiều tỷ đồng.

Cẩn trọng khi dùng "sổ đỏ" vay tiền | ảnh 1
Người dân cần thận trọng khi ký các hợp đồng ủy quyền

Chưa được vay tiền đã mất nhà

Đó là vụ việc của gia đình ông Ngô Văn Xuân (SN 1965, trú tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Đầu năm 2010, vợ chồng ông cần tiền để mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Lúc đó, bà Nguyễn Thị L (SN 1956, trú tại thôn Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho ông Xuân biết có các mối quan hệ để vay được vốn ngân hàng, thông qua việc thế chấp “sổ đỏ”. L cũng hướng dẫn vợ chồng ông Xuân làm thủ tục ủy quyền cho L toàn quyền sử dụng mảnh đất của vợ chồng ông.

Tin tưởng bà L, ngày 11/2/2010, vợ chồng ông Xuân đã ký hợp đồng ủy quyền có công chứng của Văn phòng công chứng Hồ Gươm, với nội dung ủy quyền cho bà L được sử dụng mảnh đất diện tích 300m2 tại xã Phù Lỗ, trong thời hạn là 5 năm. Bà L cam kết giúp vợ chồng ông Xuân làm thủ tục để vay ngân hàng 100 triệu đồng trong thời hạn một tháng, kể từ khi ký hợp đồng ủy quyền.

Ký xong hợp đồng ủy quyền, đợi mãi mà không thấy bà L đưa tiền, vợ chồng ông Xuân gọi điện hỏi thì nhận được nhiều lý do để trì hoãn. Gần đây, bỗng dưng một người tự xưng tên là Hà đến nhà ông Xuân cho biết, đã mua căn nhà của vợ chồng ông Xuân với giá gần 1 tỷ đồng và yêu cầu vợ chồng ông Xuân trao trả nhà đất. Tá hỏa, vợ chồng ông Xuân đã tìm đến nhà riêng bà L để đòi lại “sổ đỏ” thì không thấy bà L... đâu nữa!

Tương tự, đầu năm 2010, vợ chồng ông Trần Quang Phát (trú tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nợ một khoản tiền không có khả năng chi trả. Qua giới thiệu của một số người, vợ chồng ông Phát đã gặp được bà L cùng “Lời quảng cáo” có thể vay được vốn ngân hàng với lãi suất thấp. Vợ chồng ông Phát mừng đến nỗi đã giao “sổ đỏ” mảnh đất 148 m2 cho bà L để vay giúp 600 triệu đồng.

Hợp đồng công chứng ủy quyền cho bà L cho mượn nhà đất để thế chấp vay vốn ngân hàng trong 5 năm, và bà L cam kết cho ông bà Phát vay 600 triệu đồng, lãi suất 1,5%/tháng, công chứng cẩn thận. “May mắn” hơn vợ chồng ông Xuân, ông Phát đã được vay 400 triệu đồng, chỉ còn thiếu 200 triệu đồng, L hẹn giao nốt vào ngày 19-5-2010.

Thế nhưng, chưa kịp nhận nốt số tiền L hứa cho vay, thì mới đây lại có một vị khách lạ tên là Nghĩa đến nhà ông Phát yêu cầu bàn giao nhà đất, bởi L đã chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất cho anh Nghĩa với giá 1,6 tỷ đồng…

Còn tại xã Phú Kim, huyện Thạch Thất những ngày gần đây dư luận đang xôn xao với vụ 18 “sổ đỏ” của 18 gia đình trong xã, (trong đó nhiều nhất là thôn Phú Nghĩa - 14 sổ) bị “mất tích”. Nguyên do, năm 2009, các hộ dân này đã giao cho một người tên là Vũ Thị Anh Tú đem đi thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng Techcombank. 18 hộ dân này đã được bà Tú cho vay 1,2 tỷ đồng để rồi nhận đi 18 cuốn “sổ đỏ”.

Gần đây, một người xưng là B - chủ Cty TNHH Hợp tác và đầu tư bất động sản L.A (có trụ sở tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) gọi điện đến cho hay B đã xiết nợ Tú 18 cuốn “sổ đỏ” trên và nếu muốn lấy lại thì phải đem 8 tỷ đồng đến để “chuộc”.

Hiện nay, CQĐT đang vào cuộc để “tìm” lại “sổ đỏ” cho những người dân trên. Đó cũng là hy vọng duy nhất cho những người đã trót đem niềm tin đặt nhầm chỗ.

Dùng “sổ đỏ” để vay tiền thế nào cho an toàn?

Cả hai mảnh đất của ông Xuân và ông Phát đều được L “thế chấp vay vốn ngân hàng” ở các hiệu cầm đồ. Còn 18 cuốn “sổ đỏ” của người dân xã Phú Kim thì không rõ đang lưu lạc ở đâu, chỉ biết là chúng không được thế chấp tại ngân hàng như đã hứa.

Nhiều công chứng viên cho hay, khi tiếp nhận các yêu cầu ký hợp đồng ủy quyền cho một bên giữ “sổ đỏ” với mục đích thế chấp để vay vốn ngân hàng, họ đều giải thích cho người dân rõ nguy cơ rủi ro về pháp lý với nhà đất đem ủy quyền, nếu chẳng may người nhận ủy quyền có ý định lừa đảo.

Thực tế, người nhận ủy quyền thường muốn có được nhiều quyền, nên hầu hết các hợp đồng chỉ có nội dung bên nhận ủy quyền được “quản lý, sử dụng, thế chấp” nhà đất, nhưng gần đây, nhiều khách hàng đã thỏa thuận ghi rõ người nhận ủy quyền được “tặng cho, chuyển nhượng tài sản cho bên thứ ba”. Những hợp đồng kiểu này rất dễ bị bên nhận ủy quyền đem nhà đất đi bán.

Ủy quyền là quyền của người dân được luật pháp thừa nhận, nên các công chứng viên chỉ có thể giải thích cho người dân về hậu quả pháp lý của hợp đồng ủy quyền để họ tự biết cách “phòng tránh” trước khi ký hợp đồng, các CCV thường yêu cầu người dân, nhất là bên ủy quyền đọc kỹ lại hợp đồng.

Nhưng với tâm trạng và nhu cầu bức thiết muốn được vay tiền nhanh, lại tin tưởng người nhận “sổ đỏ” nên nhiều người chỉ “xem qua” rồi ký, dẫn đến khi hậu quả xảy ra, họ mới vỡ lẽ là rất “lơ mơ” về nội dung đã ủy quyền, nhất là những người thiếu hiểu biết và nhận thức về vấn đề này.

Vì vây, để tránh bị lừa, người dân khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng cần tìm hiểu thủ tục để xem mình “vướng” ở đâu mà phải ủy quyền cho người khác vay hộ. Trong trường hợp ký hợp đồng giao “sổ đỏ” cho người khác, phải đọc kỹ các điều khoản, quan trọng nhất là xem đối tác mình giao “sổ đỏ” có đáng tin cậy hay không, để tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có như trên.

(Theo PL&XH)


  • 0
  • By Admin
  • 14/03/2011
  • 17