Cần thận trọng với vấn đề "hai mặt" của FDI
* Thưa ông, đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về thành công thu hút vốn FDI trong vài năm qua, nhất là sau khi chúng ta luôn lập mới những kỷ lục. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nếu nhìn dài hạn, không có FDI thì Việt Nam không thể công nghiệp hóa hiệu quả, thành công được vì với một nước có trình độ phát triển chưa cao, thu nhập thấp thì nguồn vốn FDI là vô cùng quan trọng, hơn nữa chúng ta cũng đang rất cần kỹ năng quản trị, kỹ năng lao động, cần chuyển giao công nghệ tốt... để phát triển.
Thêm vào đó, FDI lại gắn với thương mại, gắn với phát triển sản xuất, với các chuỗi giá trị... nên rõ ràng nó rất cần thiết. Quá trình cải cách, đổi mới của Việt Nam hơn 20 năm qua cho thấy vai trò FDI rất tốt, đóng góp trực tiếp rất lớn, khoảng 18% GDP, 36-37% xuất khẩu (nếu kể cả dầu thô là 55-56%), hơn 1/3 sản xuất công nghiệp, tạo được hơn 1,45 triệu công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp... Chính vì vậy, FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy FDI nói riêng, các nguồn vốn nước ngoài nói chung cũng không phải là không gây ra vấn đề. Một ảnh hưởng dễ nhận thấy, trực tiếp liên quan đến nền kinh tế nước ta là có không ít những dự án FDI không hiệu quả, công nghệ thấp, tàn phá môi trường... FDI cũng góp phần gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô. Ví dụ FDI vào nhiều quá cùng với các luồng vốn khác trong điều kiện quản trị vĩ mô không tốt, gây ra bong bóng bất động sản, khung tín dụng tăng, lạm phát...
Việt Nam đều đã trải qua những bài học như thế, nhưng vấn đề ở đây là FDI cần thiết cho sự phát triển, song không phải là điều kiện đủ. Chứa đựng đằng sau nó là những rủi ro mà có hạn chế được hay không lại phụ thuộc vào phản ứng chính sách, điều chỉnh vĩ mô, cải cách bên trong của chúng ta.
Phản ứng ở đây có liên quan đến tư duy từ vấn đề cách phát triển của mình. Ví dụ vai trò doanh nghiệp nhà nước, vai trò ngành công nghiệp nặng, vai trò ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu, cách dùng các chính sách vĩ mô để ổn định kinh tế vĩ mô, không gây ra bong bóng bất động sản, không gây ra lạm phát mà vẫn có thể thu hút tốt FDI, tăng trưởng tốt...
Bên cạnh đó, nó còn liên quan đến mức độ mở cửa đến đâu, nhất là trong khu vực tài chính, dịch vụ, cách thức thu hút FDI... Như vậy, tiềm ẩn rủi ro vẫn lớn nhưng không phải vì thế mà chúng ta loại trừ nó.
* Như vậy, chúng ta sẽ phải thực hiện những chính sách nào cho năm 2009, thưa ông?
TS Võ Trí Thành - Trưởng Ban
Nghiên cứu Chính sách Hội nhập
kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu
Quản lý Kinh tế trung ương).
Thứ hai là cách thức mở cửa, tinh thần của chúng ta là hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, bảo hộ ít đi là đúng nhưng cách thức mở cửa như thế nào cho phù hợp, nhất là trong lĩnh vực tài chính để có thể né tránh được những bất ổn.
Thứ ba là chúng ta cần phân loại các dòng vốn FDI vào theo tiêu chí tác động tốt hay không tốt, bởi trong thực tế, FDI có nhiều loại, có loại vào để khai thác tài nguyên, khai thác thị trường, tìm kiếm hiệu quả, đặc biệt là những ngành liên quan đến xuất khẩu, FDI vào các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bất động sản...
Mỗi nước có thể có trình độ, năng lực khác nhau. Bên trong môi trường lại phải xem những nhân tố nào hấp dẫn họ. Nhìn chung, có 4 nhóm nhân tố hấp dẫn FDI. Một là nhóm chỉ số vĩ mô gồm ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, ổn định xã hội... Hai là nhóm chỉ số liên quan đến nguồn lực như nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên... Nhóm nhân tố thứ ba là thể chế như luật lệ, pháp lý có dự báo được hay không, có thân thiện với kinh doanh hay không, cách thức làm việc của bộ máy hành chính, chi phí giao dịch có nhỏ không... Thứ tư là mức độ mở cửa thị trường đến đâu.
Rõ ràng, chúng ta phải có cách cải thiện năng lực của mình, biết lựa chọn các dự án FDI dựa vào loại hình và nhân tố cải thiện nó. Bên cạnh đó, cũng cần có cách thức chia sẻ thông tin và xúc tiến thương mại đầu tư.
* Có ý kiến cho rằng, mặc dù thế giới đang khủng hoảng nhưng đó là khủng hoảng niềm tin, còn thực tế là thế giới đang thừa vốn. Và đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn, trong đó có FDI?
Tôi không nghĩ là vốn thế giới đang thừa mà là thế giới đang gặp khó khăn do thiếu thanh khoản. Bên cạnh đó, cũng tồn tại tình trạng đình trệ trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến đọng vốn và xu hướng cầm cự, không mở rộng đầu tư.
Cho nên những dự án FDI đã được cam kết (có thể rất lớn do trước kia họ nghĩ họ huy động vốn dễ) đang có dấu hiệu giải ngân chững lại, khó khăn hơn. Mặc dù lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2008 lớn chưa từng có, nhưng con số đó không nói lên điều gì.
Bản thân các định chế, tổ chức đang rất khó khăn, vậy trước mắt và lâu dài, Việt Nam có đủ hấp dẫn họ hay không? Rõ ràng, chúng ta cần phải nhìn nhận những yếu kém của mình để cải thiện cho hấp dẫn hơn. Việt Nam cũng phải tính đến kịch bản xấu để chuẩn bị phương án ứng phó, đừng quá hứng khởi trước những thành công.
* Xin cảm ơn ông.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
- 0
- By Admin
- 19/01/2009
- 17