Cần rà soát lại "chỉ số an toàn" của các dự án nhà cao tầng
Những toà nhà cao tầng là cái bẫy chết người cho chính họ nếu chủ đầu tư không quan tâm đến việc đảm bảo hệ số an toàn cho toà nhà |
Đây là hệ quả của việc nhà quản lý không thực hiện hết vai trò thanh tra, kiểm tra của mình. Cần phải rà soát lại toàn bộ các công trình, cái gì vi phạm cần xử lý theo các quy định của pháp luật, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với VnMedia.
Ngày 1/12/2010, cháu bé Vũ Gia Hiếu Rơi từ tầng 4 bệnh viện, bé 1 tuổi tử vong. Khi sự cố xảy ra, người ta mới nhớ đang sử dụng sai công năng của toà nhà. Sự việc này thêm một lần nữa cảnh báo về việc hệ số an toàn của cuộc sống không hề được đảm bảo.
Cùng với cái chết thương tâm của cháu Hiếu, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010 có gần 500 trẻ dưới 4 tuổi bị tai nạn. Một trong những nơi dễ xảy ra tai nạn là lan can nhà chung cư cao tầng.
Những cửa sổ được làm không chắc chắn thế này đã cướp đi sinh mạng của một cháu bé và còn ai nữa... |
Trong đợt điều tra, khảo sát trên 30 công trình đang được sử dụng như nhà chung cư, trường học, trường mẫu giáo, bệnh viện… vừa được Bộ Xây dựng thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố và qua báo cáo của 82 đơn vị thuộc các sở, ngành trong cả nước cho thấy rất nhiều công trình chưa áp dụng đầy đủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng VN số 05:2008/BXD “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” của Bộ Xây dựng ban hành.
Các sai phạm tập trung chủ yếu ở việc thiết kế và thi công bancông, lan can thấp; khoảng cách giữa các lan can rộng, có bố trí các thanh ngang; ổ điện bố trí thấp từ 20cm - 40cm so với mặt sàn và không có hộp bảo vệ; sử dụng kính thường ở các vị trí mà theo quy định của Quy chuẩn phải sử dụng kính an toàn… vừa không có hệ thống bảo vệ như khung sắt hay lưới chắn.
Bộ Xây dựng cũng đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra các công trình. Kiên quyết xử lý và không đưa vào sử dụng các công trình không phù hợp với các quy định của quy chuẩn.
Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu trong tiêu chuẩn kỹ thuật quy định là buộc phải bảo đảm hệ số an toàn của chỗ này chỗ khác mà công ty thi công không làm, chủ đầu tư khi phê duyệt thiết kế bỏ qua chuyện này, thì cũng đã vi phạm pháp luật. Nhưng nếu trong tiêu chuẩn kỹ thuật chúng ta chưa đề ra thì chúng ta phải hoàn chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật này.
Trong trường hợp đã có tiêu chuẩn (tiêu chuẩn 323/2004- PV) để quy định về việc này buộc phải quan tâm đến chỉ số an toàn của các toà nhà, nhưng các chủ đầu tư gần như không có dự án nào thực hiện điều này. Vậy, phải xử lý thế nào, thưa ông?
- Giáo sư Đặng Hùng Võ: Chắc chắn trách nhiệm ở đây thuộc về người quản lý công trình. Trách nhiệm của người quản lý công trình không phải chỉ là vấn đề có bền không, có đúng vật liệu không mà chúng ta cần phải kiểm tra tất cả các tham số có liên quan đến công trình ấy. Ví dụ như hệ thống chống cháy, báo cháy, hệ thống thoát hiểm, hệ thống bảo đảm độ an toàn cho những người sinh sống trong không gian ấy... Tất cả những điều này cần phải được đảm bảo.
Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường |
Nếu chúng ta chưa phát hiện ra khi thi công, nhưng khi đi vào sử dụng lại phát hiện ra có những thứ trái với tiêu chí kỹ thuật thì cần phải xem xét lại lý do dẫn đến sự việc này là gì: từ thiết kế hay từ thi công. Trên cơ sở đó sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho từng người, từng bộ phận có liên quan.
Nếu vi phạm pháp luật thì chúng ta buộc phải xử lý theo các quy định của pháp luật.
Nhưng, trên thực tế, các công trình được đưa vào sử dụng lại không hề có sự chứng kiến của cơ quan chức năng?
- Đúng là hiện nay chúng ta đang bỏ hổng vấn đề này. Nhưng bệnh của người làm công tác hành chính ở ta hiện nay là làm công tác kiểm tra, thanh tra yếu. Không quan tâm nhiều đến công tác này. Đáng lẽ, người ta vẫn đánh giá rằng, một cơ quan hành chính 50% là hướng dẫn việc thực thi pháp luật, ở nước ta còn gồm cả xây dựng hệ thống pháp luật nữa; 50% còn lại là dành cho việc thanh tra, kiểm tra.
Nhưng, hiện nay khối lượng kiểm tra trong tất cả các cơ quan hành chính của chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 50% là nhiều. Nếu chúng ta làm tốt công tác này ngay từ đầu thì chắc chắn mọi thứ đều được kiểm định, mọi sự sai trái nếu có được khắc phục ngay. Như thế, sẽ không có những chuyện đáng tiếc như bạn nói về hệ số an toàn của cuộc sống trong các toà nhà bị bỏ qua.
Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta cần phải làm gì?
- Theo tôi, một mặt cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính đối với các cơ quan cấp dưới và việc thực thi ngoài thực tế. Đồng thời, chúng ta phải xử lý nghiêm những trường hợp có vi phạm. Nếu làm tốt được việc này chúng ta sẽ tránh được những khuyết tật trong việc thi công, xây dựng các công trình xây dựng.
Nhưng, có một thực tế là không có một công trình nào quan tâm đến việc bảo đảm hệ số an toàn trong cuộc sống, nhưng vẫn hoàn thiện, vẫn đưa vào sử dụng. Và sự cố đã xảy ra. Vấn đề này chúng ta phải giải quyết ra sao?
- Tôi cho là con người là trung tâm của sự phát triển nên nếu đã xảy ra sự cố thì chúng ta phải khắc phục kể cả đã xong kết cấu công trình
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiêu chuẩn Xây dựng số 323 được Bộ Xây dựng ban hành năm 2004, nhà cao tầng từ 6 tầng trở lên không được thiết kế bancông. Trong đó, lan can được quy định chung chung là không được hở chân và có chiều cao không thấp hơn 1,2m... Còn theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng VN 05:2008 lan can, bancông của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các toà nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, bancông, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở garage ôtô. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua. |
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 07/12/2010
- 17