• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cần rà soát dự án để tránh di chuyển Trung tâm HC quốc gia

Thưa ông, trong buổi trình bày về đồ án quy hoạch Hà Nội tại UBND TP mới đây, tư vấn đã dự báo quy mô dân số cho năm 2030 là 9,1 triệu dân và năm 2050 là 12 triệu dân. Ông có ý kiến gì về những con số này?

Trước đây tư vấn dự báo dân số 2030 là 10 triệu nhưng sau nhiều ý kiến đóng góp, báo cáo lần 3 đã giảm xuống còn 9,4 - 9,5 triệu. Nhiều chuyên gia tiếp tục cho rằng chưa có luận cứ khoa học thì báo cáo gần đây nhất tư vấn lại rút xuống còn 9,1 triệu.

Vấn đề ở đây là đồ án vẫn thiếu một luận cứ khoa học, thiếu giải pháp để chứng minh sẽ đạt được mốc dân số như vậy. Trong 7 năm vừa qua Hà Nội tăng thêm 35 vạn dân, bây giờ, theo quy hoạch mới nhất này lại chỉ tăng 25 vạn dân nhập cư trong 10 năm. Vậy chính sách nào để đạt được như vậy?

Dự báo về kinh tế thông qua chỉ tiêu thu nhập bình quân và dự báo dân số là 2 dự báo rất quan trọng để định hướng phát triển không gian Hà Nội. Chưa đưa ra được luận cứ, trong khi các con số liên tục điều chỉnh chứng tỏ anh nghiên cứu chưa đầy đủ hay nói cách khác anh thiếu chính kiến.
Cần rà soát dự án để tránh di chuyển Trung tâm HC quốc gia
Mô hình khu vực trung tâm hành chính quốc gia tương lai.

Còn thu nhập bình quân theo đầu người của Hà Nội đạt 11.000 USD vào năm 2030 thì sao, thưa ông?

Ban đầu những người làm đồ án đặt ra mức thu nhập bình quân lên đến 20.000 USD, nhưng mới đây lại rút xuống 11.000 USD. Để xác định vấn đề này cần dự báo cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng và vai trò động lực của Hà Nội với vùng.

Hà Nội sau khi mở rộng, dân số là 6,4 triệu người, kéo theo nhiều vấn đề như nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, kinh tế tri thức… cần có lời giải để dự đoán, không nên quá lạc quan.

Một trong những điểm nhấn của đồ án quy hoạch là xây dựng trục Thăng Long - một đại lộ thẳng tắp với những công trình chạy dọc hai bên đường do các Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế. Vậy nhưng, trong buổi lấy ý kiến mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, vấn đề quan trọng là phải làm rõ có cần thiết xây dựng một trục như vậy?

Đây là vấn đề chúng ta phải xem từ ban đầu. Chủ thuyết đầu tiên là hình thành trục tâm linh nhằm nối không gian của Cổ Loa và Hồ Tây, trung tâm Ba Đình với trung tâm hành chính quốc gia mới dự định ở Ba Vì.

Các nhà khoa học nêu ý kiến phản biện thế nào là trục tâm linh, thế nào là tựa núi nhìn sông, thế nào là tựa, là nhìn nên tên trục tâm linh được chuyển thành trục Thăng Long.

Trục Thăng Long được xác định là trục không gian, trục giao thông hiện đại, kết nối đô thị trung tâm với đô thị Hòa Lạc (dự tính 65 - 70 vạn dân) và hỗ trợ đường Láng - Hòa Lạc.

Trên bản vẽ, trục Thăng Long lúc nối tiếp vào đường Hoàng Quốc Việt, lúc lại đẩy lui lên khu Tây Hồ Tây nối với điểm đến ở Trích Sài (Hồ Tây). Như vậy, rõ ràng có ý tưởng nhưng thể hiện hồ sơ còn chưa nhất quán, chưa khảo sát kỹ.

Hà Nội hiện mở ra 6 trục xuyên tâm, giờ thêm 1 trục nữa là tốt, nhưng nếu làm trục giao thông cần lý giải về lưu lượng giao thông, về nguồn vốn để thực hiện. Dự báo dân số Hòa Lạc 65 - 70 triệu dân, nhưng Sơn Tây cũng tới 18 - 20 vạn, Xuân Mai cũng 22 - 30 vạn.

Thêm nữa, tại sao không tạo các tuyến liên kết các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai… với đường Hồ Chí Minh ở phía Tây?

Một vấn đề khác của đồ án là việc đặt trung tâm hành chính quốc gia tại chân núi Ba Vì, gần Hòa Lạc cũng đang nhận được nhiều phản hồi khác nhau, thưa ông?

Nếu xem xét cả quá trình, Trung tâm hành chính đã được đề xuất tới 5 vị trí. Sau nhiều trao đổi có thể nói đến nay các nhà khoa học cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Gần đây, Thủ tướng cũng đã kết luận từ nay tới năm 2030 hoàn thiện Trung tâm hành chính quốc gia ở khu Tây Mỗ, Mỹ Đình, Từ Liêm và dự tính khu mới cho sau 2030. Với chỉ đạo như vậy rất cần thận trọng trong việc lựa chọn điểm đặt Trung tâm hành chính quốc gia.

Trung tâm hành chính quốc gia ở đâu ta phải cân nhắc tính toán đủ các điều kiện, phải xem xét tính toán xem sự tiến bộ của khoa học - kĩ thuật sau 30 - 40 năm nữa thế nào…

Cần rà soát dự án để tránh di chuyển Trung tâm HC quốc gia 1
“Trung tâm hành chính quốc gia phải chăng nên tính đến khu tây Hồ Tây”.

Bài học của Kulalumpua với hơn 60ha đất dành cho trung tâm hành chính mới có đầy đủ cả đa dạng nhà ở, nhà thờ, trung tâm thương mại, dịch vụ đồng bộ… cán bộ di dân ra khu mới được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng thực tế đã diễn ra không như mong muốn.

Seoul năm 2005 đặt vấn đề di dời thủ đô vì áp lực quá lớn. Họ đặt mục tiêu 2015 hoàn thành, nhưng đến giờ họ cũng thấy cần cân nhắc kỹ hơn.

Từ những bài học trên và từ thực tiễn của ta, phải chăng nên tính giải pháp rà soát lại các dự án khu đô thị, khu nhà ở để lựa chọn trung tâm hành chính quốc gia có vị trí hợp lí, như khu Tây Hồ Tây.

Trung tâm hành chính phải xét đến yếu tố lịch sử. Tại sao thời An Dương Vương cách đây 2.300 năm đặt thủ đô ở Cổ Loa rồi sau đó vua Lý Thái Tổ đã dời đô về đất này với ý nghĩa đã nêu trong chiếu dời đô: “Xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là hơn cả, thật là chỗ hội tụ của bốn phương, là đô thành bậc nhất đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời sau”.

Một nghìn năm qua trung tâm quyền lực của Việt Nam đã liên tục kế thừa, phát triển xung quanh quanh khu trung tâm Ba Đình. Vậy chọn lựa, đề xuất vị trí mới lại càng cần thận trọng.

Xin cám ơn ông!

Theo Dân Trí
  • 0
  • By Admin
  • 02/04/2010
  • 17