Cần quỹ tài chính khẩn cấp giải cứu "bất động sản"
Cần quỹ tài chính khẩn cấp giải cứu "bất động sản". |
Chỉ trong vòng chưa đến nửa tháng, trên địa bàn TPHCM đã có đến 3 hội thảo, tọa đàm chỉ bàn về vấn đề tài chính BĐS, tìm vốn giải cứu thị trường này...
Tìm quỹ tài chính khẩn cấp
Tại buổi tọa đàm về thị trường BĐS, TTCK và kinh tế vĩ mô do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức ngày 13.11, nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị sử dụng các quỹ tài chính vốn đang nhàn rỗi như quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dự phòng thiên tai, bình ổn giá cả... để hỗ trợ thị trường BĐS đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Các chuyên gia hầu hết thống nhất với nhận định hiện nay thị trường BĐS đang lâm vào tình thế khó khăn, những tháng cuối năm 2008 nhiều DN phải đối phó với các khoản nợ lớn, rất cần vốn với lãi suất hợp lý dể xoay xở.
Trong khi đó, lãi suất cho các tổ chức tín dụng vay hiện nay vẫn còn quá cao, chưa phù hợp. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã thống nhất cần phải có một loại quỹ để có thể giải cứu thị trường BĐS qua cơn nguy kịch hiện nay.
Ông Phạm Khắc Khoan - Phó TGĐ NHCP Kiên Long, người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính BĐS cho rằng: "Trung bình phải mất 5-6 năm để giải quyết nợ xấu BĐS".
Cũng theo ông Phạm Khắc Khoan, cần phải xem khủng hoảng tài chính như một cơn bão. Thông thường khi bị thiên tai phải lập quỹ và kêu gọi cứu trợ từ các quỹ tài chính thì BĐS cũng nên làm theo kiểu này.
"Hiện nay có các quỹ như quỹ bình ổn giá cả, dự phòng thiên tai, bảo hiểm các loại... chẳng dùng vào việc gì, nên huy động để có nguồn tài chính ứng cứu thị trường BĐS" - ông Khoan đề nghị như vậy.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM -ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, nên lập một quỹ ứng cứu BĐS trước khi ngành này đi đến bờ vực của sự đổ vỡ. Theo ông Ngân, VN có nhiều quỹ của các ngành nghề, thậm chí bộ nào cũng có quỹ dự phòng, thế nhưng nguồn tài chính này bị thụ động. Điều cần làm hiện nay là đánh thức các quỹ này, cho nó hoạt động, xem nguồn tài chính này như một quỹ tiền tệ tiềm năng, giúp cho BĐS trở thành động sản.
Trước đó, ngày 7.11, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố trong buổi làm việc với Thống đốc NHNN, Bộ Tài chính, UBND thành phố... đã đề nghị Chính phủ thành lập ngay một quỹ tài chính đặc biệt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ các NH và DN.
Khó khăn đang ở phía trước
Càng gần đến thời điểm cuối năm 2008 (thời điểm tròn 1 năm kể từ khi bùng phát cơn sốt nhà đất cuối năm 2007 đầu năm 2008 cũng là thời điểm bùng phát cho vay đầu tư BĐS), vấn đề có hay không việc giải chấp ồ ạt tài sản thế chấp được đưa ra bàn cãi khá sôi nổi.
Cũng tại buổi tọa đàm ngày 13.11, nhiều chuyên gia có chung nhận định, BĐS thế chấp là hàng hóa không phải dễ tiêu thụ. Việc giải chấp hay phát mãi tài sản thế chấp sẽ làm mất hết giá trị tài sản. Nợ xấu là BĐS khó có thể giải quyết được một sớm một chiều. Nếu không cứu thị trường BĐS ngay từ bây giờ thì trong tương lai gần, BĐS tiềm năng cũng sẽ bị đóng băng và bị bán tháo, điều đó dẫn đến khả năng DN trong nước có thể phá sản hoặc nhẹ hơn là điêu đứng. Mặc dù đã loại trừ được tình huống giải chấp ồ ạt, thế nhưng với thị trường BĐS đó chưa phải là điều đáng mừng.
Ông Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TPHCM cho rằng: "Cái khó của thị trường BĐS hiện nay là niềm tin. Khi không còn niềm tin, ý chí muốn tháo chạy khỏi thị trường BĐS quá mạnh mẽ. Chính vì vậy, BĐS đang mất dần tính thanh khoản do không có đầu ra, không thể tín chấp, thế chấp, giải chấp như trước đây".
Với thực trạng như thế này, thị trường BĐS đang lâm vào tình thế cả hai đầu đều bí, đầu ra không có trong khi nợ đến hạn thì không thể thanh toán. Thời điểm khó khăn mang tính quyết định đối với việc thị trường BĐS có bị đổ vỡ hay không đang ở phía trước, thế nhưng việc tìm kiếm các nguồn vốn để "giải cứu" xem ra chưa đâu vào đâu.
Theo Lao Động
- 0
- By Admin
- 18/11/2008
- 17