• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cần quy định thời gian phải đến ở trong hợp đồng mua nhà

70 căn hộ đang bỏ không

Cần quy định thời gian phải đến ở trong hợp đồng mua nhà | ảnh 1
Xếp hàng dài cả buổi để được bốc thăm quyền mua NTNT CT1 Ngô Thì Nhậm. Ảnh: Nguyễn Lê

Chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai cho biết, trong số 328 căn hộ NTNT thấp đầu tiên ở Ngô Thì Nhậm, hiện có 258 căn hộ đang ở, còn 69 căn hộ đã nhận nhà những chưa tới ở. Ngoài ra, còn duy nhất một căn hộ là căn số 1104 của bà Đặng Thị Oanh do chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính, nên chưa được nhận nhà. Vinaconex Xuân Mai đã gửi thông báo và gọi điện trực tiếp nhưng tới nay, chủ hộ vẫn chưa thấy đến để nộp nốt tiền và nhận bàn giao nhà.

Trao đổi với PV Laodong.com.vn, ông Nguyễn Văn Đa, Giám đốc Vinaconex Xuân Mai - chi nhánh Hà Đông cho biết, mặc dù cty đã nhắc nhở các hộ đã nhận bàn giao nhà nhiều lần nhưng nhiều căn hộ chưa chịu đến ở với nhiều lý do như còn phải chọn ngày, muốn sửa sang lại một chút trước khi về ở…

Cùng với đó, ông Đa còn cho hay, chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm xây dựng, bán nhà đúng đối tượng, bàn giao đúng hạn… chứ còn không biết xử lý như thế nào đối với những trường hợp đã nhận nhà mà chưa chịu về ở. Theo ông, hiện cũng chưa có quy định chế tài nào để xử lý kiểu vi phạm này. Vì thế, chủ đầu tư cũng chỉ biết báo cáo lên Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội và chờ chỉ đạo. “TP chỉ đạo xử lý thế nào chúng tôi làm thế đó”, ông Đa nói.

Cần quy định “thời gian phải đến ở” trong hợp đồng mua bán

Cần quy định thời gian phải đến ở trong hợp đồng mua nhà | ảnh 2
Cần bổ sung quy định thời gian phải đến ở sau khi đã nhận bàn giao nhà. Ảnh: Nguyễn Lê.

Việc NTNT đang bị bỏ không chưa có người về ở, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chưa về ở có thể do đang là mùa hè, con cái họ chưa chuyển được trường để về học ở gần nhà nên họ còn phải đợi, thế nhưng dù sao đã nhận nhà nhưng chưa về ở thì chủ nhân những căn hộ đó cũng cần phải đến để tham gia đóng góp các chi phí như phí quản lý tòa nhà. Tuy nhiên, cũng cần phải có quy định thời gian nhất định đối với các trường hợp này để họ có thể căn cứ vào đó mà chuyển đến ở đúng thời hạn, tránh bỏ không quá lâu.

Theo ông Liêm có thể quy định là sau 3 tháng chẳng hạn, nếu không đến ở thì sẽ bị thu hồi và bán lại cho đối tượng khác. Điều này có thể cho vào một điều khoản của hợp đồng mua bán để người mua thấy rõ trách nhiệm. Ông Liêm cho rằng, thành phố nên có quy định rõ ràng về vấn đề này thì chắc chắn sẽ thực hiện được và không có chuyện nhà bỏ không như thế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, liên ngành Mặt trận Tổ quốc, Công an, Tài chính, Thanh tra, Liên đoàn Lao động… đã bổ sung và đã trình UBND TP về vấn bổ sung chỉnh sửa một số nội dung hợp đồng mua bán của chủ đầu tư, trong đó có thêm chế tài trách nhiệm giữa chủ đầu tư và chủ nhà, thời gian từ khi ký hợp đồng đến lúc nhận nhà là bao lâu phải vào ở… để tránh việc nhận bàn giao nhà nhưng lại không đến ở.

Sau vụ phát hiện mua bán NTNT trái phép tại căn hộ 1702 CT1 Ngô Thì Nhậm, nay lại còn nhiều căn hộ đã nhận bàn giao vài tháng rồi mà chưa tới ở, dư luận lại đang đặt ra câu hỏi: Liệu có gì đó bất thường ở những căn hộ NTNT bỏ không này?

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên sớm có những quy định để giải quyết vấn đề này, bởi lẽ đây thực sự là một sự lãng phí lớn trong một chương trình an sinh xã hội vô cùng có ý nghĩa của Nhà nước đối với những người nghèo, những gia đình chính sách.

(Theo LĐO)


  • 0
  • By Admin
  • 21/06/2011
  • 17