Cần kiên quyết, minh bạch khi xử lý nhà, đất công
>>Nhà, đất công bị sử dụng sai mục đích: Nhà nước thiệt hại rất lớnÔng Võ nói: Sau khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực, chúng ta đã tiến hành việc xốc lại trong quản lý nhà công, đất công.
GS.TS Đặng Hùng Võ. Ảnh: Minh Tuấn. |
Lần đầu, năm 1996, chúng ta kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức đang sử dụng và Thủ tướng có chỉ thị số 245 kiểm tra lại toàn bộ việc sử dụng đất này và sau đó có thống kê rất chi tiết tình trạng sử dụng. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, chúng ta đã không xử lý được. Cho đến sau này, Bộ TNMT và Bộ Tài chính vẫn tiếp tục kiểm tra sử dụng đất công, nhà công nhưng chưa lần nào xử lý đến nơi đến chốn. Nói đúng hơn là đánh trống bỏ dùi.
Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta biết có rất nhiều cửa hàng lương thực, thực phẩm, kho gạo, cửa hàng ăn uống, bách hóa thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng sau đó, hệ thống cửa hàng này biến hoá khôn lường. Có khi là kho gạo biến thành khách sạn tư nhân, nhiều cửa hàng đã lọt vào tay tư nhân dưới nhiều hình thức. Một số trường hợp biến dạng dưới hình thức liên doanh, liên kết, cho thuê lại, giá liên kết chính thức thì theo giá nhà nước nhưng giá dưới gầm bàn mới là giá thật.
Theo ông, vì sao tình trạng này lại kéo dài nhiều năm như vậy?
Việc cho thuê này thường gắn với tư lợi của lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp và cả quá trình hình thành các quy định của pháp luật về đất đai quá phức tạp. Chính vì vậy, cho đến hiện nay gỡ rối chuyện này không đơn giản. Hơn nữa, đi liền với các khu đất vàng là các đại gia.
Với những trường hợp cơ quan hành chính sự nghiệp đang vi phạm, tôi cho là nhỏ hơn nhiều vi phạm của các doanh nghiệp và xử lý đối tượng này không khó. Nhưng trọng tâm cần xử lý đó là các trường hợp thuê của nhà nước với giá rất rẻ nhưng cho thuê lại với giá đắt hoặc tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng...
Nhiều ý kiến đề nghị cần đưa quỹ nhà chuyên dùng ra bán đấu giá công khai hoặc cho thuê theo giá thị trường, ông thấy việc này khả thi đến đâu?
Tôi cho đây là ý kiến đúng. Nhưng đừng cư xử với cơ sở này thì nặng, cơ sở khác thì lại nhẹ tay. Thứ hai là phải xử lý kiên quyết, không được chùng tay. Cơ chế xử lý phải thật cụ thể, minh bạch, trường hợp nào thì cho thuê tiếp, trường hợp nào thì thu hồi. Nên dùng cơ chế hội đồng để phán quyết với đa thành phần sao cho hội đồng đó phải quyết theo đa số và tránh tình trạng hội đồng phải chịu áp lực nào đấy. Chủ trương này có khả thi hay không phụ thuộc vào ý chí lãnh đạo. Khi lãnh đạo đã quyết thì chắc chắn sẽ làm được và sẽ không có chuyện bàn thêm hay gác lại...
Cảm ơn ông.
(Theo TPO)
- 0
- By Admin
- 11/04/2011
- 17