Căn hộ nhỏ không cần ưu đãi, chỉ cần cấp phép
Hiện nay, việc huy động vốn của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) không còn dễ dàng.Cụ thể, DN khó có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu DN vì thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài, tối thiểu xin phép Ủy ban Chứng khoán phải mất vài tháng, khi đã được duyệt thì lãi suất đã không còn thích hợp và đuổi kịp mục tiêu của DN; trong khi, phát hành cổ phiếu lại không khả thi vì giá thấp, tiền thu lại không xứng với giá trị DN.
Phải gạt bỏ quan điểm “căn hộ nhỏ đi kèm với thu nhập thấp và kém chất lượng” |
Riêng cách phát hành trái phiếu ra nước ngoài, chỉ những DN lớn như HAGL hay Vincom mới làm được, vì họ có tiếng tăm nên nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng. Phần còn lại, DN có thể vay ngân hàng hoặc kích nguồn cầu. Giải pháp kích cầu liên quan đến chiến lược giá và sản phẩm chủ đầu tư, liệu có phù hợp với nhu cầu của người mua hay không.
Như trường hợp của TDH, ngoài dòng căn hộ cao cấp và trung bình, chúng tôi cũng đang có kế hoạch phát triển dòng căn hộ mới là S-Home. Phân khúc này chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng số đông là giới công nhân, viên chức. Do đó, trong vấn đề thiết kế, chúng tôi phải khéo léo để dù diện tích căn hộ nhỏ nhưng tiện ích lẫn không gian đảm bảo và giá cả phải vừa “túi tiền” của họ.
Tuy nhiên, khâu thiết kế của căn hộ loại nhỏ như S-Home đang vướng phải một số quy định nên khó có thể làm ra sản phẩm. Theo quy định nhà nước, căn hộ phải có diện tích tối thiểu là 45m2, không được nhỏ hơn (trường hợp của Công ty Đất Lành, với diện tích căn hộ 25m2 là thí điểm duy nhất tại TP.HCM).
Mặt khác, chỉ tiêu quy hoạch lại khống chế mức dân số, cơ cấu căn hộ trong một dự án chung cư (với tỷ lệ 1:2:1; nghĩa là tỷ lệ căn hộ nhỏ chiếm 25%, 50% là căn hộ trung bình và 25% là căn hộ lớn từ 105m2 trở lên). Ở đây, số căn hộ trung bình có diện tích từ 60 -100m2 lại chiếm đến 50% nên rất khó cho DN tính toán, triển khai dự án. Trường hợp DN muốn làm căn hộ nhỏ, buộc phải đăng ký vào diện nhà có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hạng mục này lại được quản lý theo cách khác. Cụ thể, Nhà nước sẽ quản lý giá cả và đối tượng đầu ra. DN không mặn mà vì đầu ra không rõ ràng, không biết ai sẽ mua, xét duyệt ra sao... Dù thực tế, hạng mục này cũng có một số ưu đãi như cho nhân hệ số lên 1.5 (tức nhà 10 tầng có thể tăng thêm 5 tầng, số căn hộ và dân số có thể tăng lên) nhưng bù lại, những điều khoản khác lại bị ràng buộc. DN và Hiệp hội Bất động sản TP.HCMđã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được chấp thuận.
Có ưu đãi cũng được, không có cũng chẳng sao, chúng tôi chỉ cần cơ quan quản lý cho phép làm căn hộ nhỏ dạng thương mại và được tăng dân số, nhằm tăng lượng căn hộ nhỏ. Việc không cho phép DN làm căn hộ nhỏ một phần xuất phát từ nỗi lo gánh nặng hạ tầng nhưng đây là điều vô lý.
Lẽ ra, chính nội thành mới cần giãn mật độ dân cư và khống chế tầng cao xây dựng vì hạ tầng đang quá tải. Trong khi ở vùng ven, đất rộng người thưa, nhiều khu có đường rộng đến 25m, có công viên, nhà máy xử lý nước... nhưng không được tăng dân số?
Chúng ta phải gạt bỏ quan điểm “căn hộ nhỏ đi kèm với thu nhập thấp và kém chất lượng”, khi làm căn hộ nhỏ (diện tích dưới 40m2), chủ đầu tư phải đưa ra thiết kế khéo léo, đầy đủ tiện nghi, tiện ích chung quanh... Do đó, mức giá mà chúng tôi đưa ra sẽ từ 10 triệu đồng/m2 trở lên (nhà cao tầng phải 12 triệu đồng/m2). Nếu mức giá thấp hơn thì DN khó tham gia.
Ông Lê Chí Hiếu- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức
(Theo DNSG)
- 0
- By Admin
- 19/07/2012
- 17