Căn hộ chưa hoàn thành khó chuyển nhượng
Ngay sau khi văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ được ký tại phòng công chứng, người dân có quyền nộp thuế và được chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng. Ảnh: Phạm Yên |
Khó nộp thuế
Gia đình chị Thu Hà trú tại 23 Bà Triệu cho biết, muốn bán một căn hộ chưa hoàn thành ở phường Kim Liên, quận Đống Đa đã có hợp đồng mua bán theo quy định mới của Luật Nhà ở, Nghị định 71 và Thông tư 16, nhưng gặp vướng mắc từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Sau khi công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ, gia đình chị Hà mang đi làm thủ tục nộp thuế. Tuy nhiên, bộ phận một cửa của quận Đống Đa cho biết, chưa tiếp nhận hồ sơ dạng mua bán này.
Chị Lê Thị Thanh Loan (trú tại khu đô thị mới Mỹ Đình I) mua căn hộ hơn 70 m2 tại khu đô thị mới Dịch Vọng khi dự án đã thi công xong móng. Chị đã phải làm văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ tại phòng công chứng đến 2 lần vì cán bộ thuế cho rằng, phần chênh 20 triệu đồng giữa giá gốc với giá bán quá thấp, phải ghi tăng chênh lệch giá lên 200 triệu đồng. Chị Loan nói, không hiểu cơ quan thuế tính kiểu gì vì giá nhà có thể giảm, nhiều giao dịch không phát sinh thu nhập.
Chị Trịnh Thị Mai (công ty CP Bất động sản B.D.S) cho rằng, thị trường giao dịch đang chững lại có nguyên nhân từ những khó khăn trong chuyển nhượng theo Nghị định 71.
Ông Nguyễn Tú, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú, cho hay, trước đây mỗi tháng văn phòng làm cả trăm hợp đồng uỷ quyền căn hộ, nhưng từ khi thực hiện giao dịch theo Nghị định 71, mới chỉ ký được 11 văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ. “Có ba khâu trong giao dịch này là công chứng, nộp thuế và chủ đầu tư xác nhận thì người dân phản ánh là vướng nhất trong khâu nộp thuế và cơ quan tài nguyên môi trường”, ông Tú nói.
Trong khi đó, nhiều luật sư và công chứng viên cho rằng, giao dịch theo hình thức này cần sớm được đẩy mạnh vì qua đó xóa bỏ được hình thức giao dịch qua ủy quyền nhiều rủi ro, Nhà nước thu được khoản thuế khá lớn và thị trường công khai, minh bạch hơn...
Cơ quan địa phương không làm hết trách nhiệm?
Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa cho biết, chưa thể tiếp nhận hồ sơ qua bộ phận một cửa vì chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của thành phố. “Chúng tôi sẽ sớm hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết về các thủ tục liên quan đến giao dịch này và trả lời người dân”, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa nói.
Đại diện Chi cục Thuế quận Thanh Xuân cho biết, nhu cầu mua bán căn hộ khi dự án chưa hoàn thành là rất lớn. Tuy nhiên, sau 1 tháng triển khai Nghị định 71, Chi cục Thuế chưa nhận được hồ sơ từ bộ phận một cửa của UBND quận chuyển sang. “Hồ sơ nộp thuế đều phải qua bộ phận một cửa, chúng tôi không được trực tiếp nhận”, đại diện Chi cục nói.
Văn phòng Đăng ký Đất đai TP Hà Nội cho biết đang có sự đá nhau trong thực hiện Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Luật Đất đai chỉ cho phép chuyển nhượng bất động sản khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Trường hợp mua bán tài sản hình thành trong tương lai (chưa có sổ đỏ) mâu thuẫn với Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, theo thông tư 30 liên bộ Tài chính-Tài nguyên và Môi trường ký năm 2005 về hướng dẫn việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa quy định quy trình chuyển thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện giao dịch này. Cụ thể, cơ quan thuế không được trực tiếp nhận hồ sơ mà phải nộp vào văn phòng đăng ký nhà đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng...
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành không mâu thuẫn với Luật Đất đai. Bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trong trường hợp này là chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ đối với hợp đồng mua bán căn hộ, đối tượng chuyển nhượng là hợp đồng mua bán căn hộ chứ không phải chuyển nhượng đất đai, nhà ở. Không thể cấm chuyển nhượng quyền chính đáng của người dân.
Theo ông Hà, ngay sau khi văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ được ký tại phòng công chứng, người dân có quyền nộp thuế và được chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng. Khi đó giao dịch hoàn tất. “Rõ ràng là cơ quan chức năng tại địa phương đã không làm hết trách nhiệm. Tôi biết ngành thuế đã có hướng dẫn về nộp thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch nhà ở”, ông nói.
(Theo Tiền Phong)
- 0
- By Admin
- 19/11/2010
- 17