• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Căn hộ cao cấp Ciputra bị trào bể phốt nhiều lần

Chị Hằng bức xúc cho rằng hằng quý vẫn phải đóng 6,3 triệu đồng phí bảo trì nhưng thiết kế hệ thống cống không được đảm bảo, nhiều lần xảy ra hiện tượng tắc.

Căn hộ cao cấp Ciputra bị trào bể phốt nhiều lần | ảnh 1
Nước từ nhà vệ sinh tràn ra sàn gỗ. Ảnh: NVCC

Mỗi lần bị nước từ nhà vệ sinh, chị Hằng đều báo cáo ban quản lý tòa nhà. Sau khi sửa chữa, bộ phận kỹ thuật khẳng định đã khắc phục, tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, hiện tượng này lại tái diễn. Chị Hằng phỏng đoán liên tục xảy ra sự cố trào rác là do hệ thống thoát nước thải của toà nhà khi xây dựng lắp đặt sai kỹ thuật dẫn đến ống thoát kém.

Theo biên bản làm việc ngày 9/9, phòng quản lý công sản Khu đô thị Ciputra đã xác nhận có hiện tượng nước thải từ nhà vệ sinh ở phòng ngủ chính và phòng khách đùn lên từ lỗ thoát sàn, siphông bồn tắm đứng. Nước ra phòng ngủ chính, phòng khách, bếp và hành lang nhà chị Hằng làm thấm sàn gỗ, phòng ngủ chính và thảm trải.

Gần đây nhất, phía bộ phận kỹ thuật Ciputra đã cắt các đường ống để đấu lại đường thoát nước nhằm khắc phục tình trạng ống tắc. Từ đó đến nay, nước đã thoát không bị tắc lại. Nhưng chị Hằng lo lắng việc trào nước thải từ nhà vệ sinh kéo dài suốt hai năm, nên chưa có gì chắc chắn hệ thống an toàn.

Theo chị Hằng, biện pháp khắc phục sự cố trào nước thải của bộ phận kỹ thuật chỉ mang tính chất tạm thời và chưa xử lý dứt điểm. Chị Hằng nhấn mạnh, ban quản lý tòa nhà cần xem lại toàn bộ hệ thống kỹ thuật để xử lý tận gốc sự cố. "Mặc dù ống thoát đã thông nhưng chúng tôi luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ không biết một lúc nào đấy khi ngủ dậy nhà mình lại ngập trong nước thải", chi Hằng lo lắng.

Căn hộ cao cấp Ciputra bị trào bể phốt nhiều lần | ảnh 2
Nước trào ướt đẫm cả thảm. Ảnh: NVCC

Chị Hương, một cư dân khác cũng cho biết, cách đây hơn hai tháng, nhà chị cũng bị nước trào ngược từ nhà vệ sinh. Sau khi bộ phận kỹ thuật đến xử lý, hiện tượng này đã tạm thời được khắc phục.

Một nguồn tin từ bộ phận an ninh tòa nhà cho hay, Ciputra là một khu đô thị lớn có tới trên dưới 10 tòa nhà nên hiện tượng tắc cống cũng là điều dễ xảy ra. "Sự việc không có gì là quá to tát vì Khu đô thị Nam Thăng Long có cả một bộ phận kỹ thuật, khi xảy ra sự cố sẽ được khắc phục ngay", ông nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Michael Schmitt - Trưởng phòng Quản lý công sản, Ban quản lý Ciputra cho biết mới ghi nhận 5 sự cố tại nhà chị Hằng và đều đã khắc phục ngay sau khi nhận được phản ánh. Giải thích về việc các căn hộ nhiều lần bị sự cố tương tự, ông Schmitt cho rằng do cư dân trong tòa nhà thường xả thẳng dầu mỡ, vật liệu sửa chữa nhà còn thừa vào đường ống nước thải, dẫn đến tình trạng ống bị tắc. Khi rác thải dưới cống được gom thì đường ống lại hoạt động bình thường. Vị này cũng khẳng định: “Đường ống thoát nước của các tòa nhà trong khu đô thị chúng tôi đều tuân thủ theo quy định của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi cũng định kỳ kiểm tra và thay thế đường ống nếu cần thiết để hạn chế tối đa các sự cố cho cư dân”.

Ông Schmitt cho biết đã chuyển vấn đề liên quan đến nhà chị Hằng lên cấp trên nhưng không thể đảm bảo được chuyện tắc đường ống thoát nước sẽ không lặp lại. "Những sự cố tương tự có thể xảy ra ở bất cứ tòa nhà nào, khu chung cư nào, kể cả ở nước Úc quê hương tôi", ông Schmitt nói. Vị này cũng cho biết chưa nhận được yêu cầu nào của chị Hằng về việc bồi thường thiệt hại do các sự cố này gây ra.

Khu đô thị Nam thăng Long Ciputra có tổng diện tích 394,135 ha do Tập đoàn đầu tư phát triển bất động sản CIPUTRA (Indonesia) liên doanh với Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội với tổng số vốn 2,1 tỷ USD. Ciputra nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, được coi là một trong những khu đô thị cao cấp bậc nhất của thủ đô với cảnh quan đẹp và hiện đại.

(Theo Vnexpress)

  • 0
  • By Admin
  • 20/09/2012
  • 17