• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cần hình thành quỹ kiến trúc đô thị

Theo KTS. Nguyễn Trường Lưu, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Tp.HCM, cân nhắc giữa được và mất là điều tất yếu trước khi người ta quyết định làm hay thay đổi bất cứ cái gì. Và chuyện bảo tồn hay phá đi những công trình kiến trúc cũng không ngoại lệ...

-Có ý kiến cho rằng nước ta còn nghèo, thay vì giữ một ngôi trường hay một nhà hát cũ thì nên phá đi để làm một dự án khác mang lại hiệu quả kinh tế gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần hơn… Giới kiến trúc sư thường không đồng tình với lập luận này?

-Nền kinh tế nào cũng cần phát triển, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng phát triển để làm gì nếu không phải là hướng đến con người?

Tôi muốn đề cập một thực tế hiện nay: không ít người từ nghèo khó vươn lên thành giàu có. Họ xây lại nhà mới, tất cả mọi thứ đều mới và đẹp, từ không gian, hình thức kiến trúc cho đến mọi đồ vật trang trí lẫn vật dụng sinh hoạt, từ trong ra ngoài, chỉ trừ chủ nhân là… cũ! Sự đổi mới đó cũng hoàn toàn phù hợp với nếp sống mới - văn minh, hiện đại. Cuộc sống rõ ràng đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Nhưng rồi sau một thời gian, những chủ nhân ấy… phát buồn! Họ luôn cảm thấy như thiếu thốn hay mất mát một cái gì lớn lao khiến cuộc sống mất cân bằng. Và rồi họ nhận ra trong căn nhà chẳng còn cái gì gọi là dấu ấn cũ đó đã mất đi sự nối tiếp với quá khứ, mất đi phần nào văn hóa gia đình.

Trên bình diện một thành phố, một quốc gia hay một dân tộc cũng vậy. Hà Nội vừa kỷ niệm 1.000 năm nhưng dấu ấn kiến trúc của 1.000 năm trước có gì ngoài một hệ tường móng Hoàng Thành? Sài Gòn đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển nhưng tiếc là không có một dấu ấn bề nổi nào của Sài Gòn 300 năm trước. Có chăng chỉ là một số hiện vật khảo cổ trong các bảo tàng…

Nói như vậy để thấy rằng gìn giữ công trình kiến trúc là gìn giữ những “bằng chứng sống” chứng minh ta đã tồn tại, đã tiếp biến và phát triển như thế nào qua từng thời kỳ lịch sử - văn hóa của dân tộc. Những “bảo tàng sống” luôn tạo “dấu ấn thật”, giúp con người chiêm nghiệm lịch sử. Chúng có ý nghĩa giáo dục đối với hậu thế mạnh hơn so với cách giáo dục thông qua sách vở hay các mô hình. Bảo tồn những giá trị kiến trúc hoàn toàn không phải chuyện gì xa xỉ mà là ý thức gìn giữ những gì thuộc về ta và ta thuộc về, cho chính ta, để tránh những cảm giác mất mát, chới với về sau, khi mà cho dù ta có giàu có hơn ngàn lần cũng không bù đắp nổi.

-Nhưng vẫn còn nhiều người tỏ ra tiếc nuối trước những ô “đất vàng” mà chỉ dành để bảo tồn, bảo tàng. Họ cho rằng ta đang sử dụng đất đai lãng phí?

Nhiều lần tôi tự hỏi đất trở thành vàng thì có hay không sự góp phần của những giá trị kiến trúc, lịch sử - văn hóa được chứa đựng và bồi đắp qua thời gian nơi những công trình đang tồn tại trên những ô đất đó. Tôi nhận ra, “vàng” là do cha ông ta xây và luyện nên. Thiết nghĩ thế hệ chúng ta và các thế hệ con cháu nên tự tạo vàng hơn là “ăn” vào di sản!

-Đi vào cụ thể những trường hợp như vụ Bệnh viện Nhi Đồng 2 hay vụ trường THPT Lê Quý Đôn, vẫn có những ý kiến khác nhau trong việc cần hay không cần bảo tồn một công trình, một cảnh quan kiến trúc. Theo ông, làm sao để nhận diện những công trình kiến trúc cần được bảo tồn?

Những công trình đã tồn tại cách nay cả ngàn năm hay vài trăm năm đương nhiên phải bảo tồn, dù chỉ còn nền móng hay một vài vết tích. Những công trình có tuổi đời chỉ trên dưới 100 năm nhưng mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử như hàng loạt công trình kiến trúc thời thuộc địa Pháp cần được bảo tồn. Dù không mang bản sắc dân tộc Việt Nam nhưng chúng ghi dấu thời kỳ ta bị Pháp đô hộ. Các công trình tín ngưỡng tôn giáo, công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc cũng cần phải bảo tồn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải bảo tồn những công trình chưa đến “tuổi già” nhưng chúng cho thấy một khuynh hướng kiến trúc ở thời kỳ đó, chúng có những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật riêng…, và cần bảo tồn cả những tác phẩm kiến trúc đã đoạt được giải thưởng.

Thật ra, chính quyền Tp.HCM đã ý thức việc bảo tồn các công trình kiến trúc từ sớm khi đưa ra một danh mục các đối tượng (kiến trúc đô thị) cần được nghiên cứu bảo tồn vào tháng 5-1996. Cuối tháng 11-2010, UBND Tp.HCM đã ra quyết định thực hiện bảo tồn đối với 168 công trình, địa điểm trên địa bàn, trong đó cả Bệnh viện Nhi Đồng 2 và trường THPT Lê Quý Đôn đều đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo Luật Di sản văn hóa (2001).

-Có những công trình kiến trúc được nhiều người đánh giá là cần được quan tâm bảo tồn nhưng lại không có tên trong số 168 công trình, địa điểm thực hiện bảo tồn, như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM hay các biệt thự ở quận 3… Phải chăng danh sách này đã bỏ sót nhiều công trình xứng đáng?

Nếu chỉ “cân đong đo đếm” theo Luật Di sản văn hóa thì sẽ bỏ sót nhiều công trình cần bảo tồn, ít nhất là dưới góc nhìn của giới kiến trúc sư. Giới kiến trúc chúng tôi thường nói với nhau về một loại “công trình kiến trúc tiềm ẩn giá trị nghệ thuật”. Những giá trị nghệ thuật của kiến trúc thường không bật ra nhanh như ở thơ hay nhạc, chúng cần khoảng thời gian dài hơn, có khi đến hàng chục năm sau mà nếu ta không cảm nhận nhanh thì dễ vô tình đánh mất.

Do vậy, cần hình thành một quỹ kiến trúc đô thị, theo đó, thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá và lập danh sách những công trình tiêu biểu cho các trào lưu kiến trúc qua từng thời kỳ lịch sử - văn hóa, cần bảo tồn. Quỹ cần có một hội đồng gồm đại diện nhiều giới, từ khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, mỹ học cho đến những người làm công tác văn hóa, hàng năm họp đánh giá, cập nhật danh sách (bổ sung hoặc loại bỏ) và không quên những xu hướng kiến trúc đương thời. Việc hình thành quỹ kiến trúc đô thị có khi mất hàng chục năm nhưng cần thiết, để củng cố hệ thống lịch sử kiến trúc đô thị Sài Gòn - Tp.HCM.

-Việc cảm nhận những giá trị tiềm ẩn, như ông nói, có khi mất hàng chục năm sau mới bật ra, nghe có vẻ mơ hồ. Phải chăng sự cảm nhận cũng phải dựa trên hệ nguyên tắc hoặc định hướng thống nhất nào đó?

Lấy ví dụ hiện nay, kiến trúc Sài Gòn đang tìm tòi những sáng tạo theo khuynh hướng kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng. Trào lưu kiến trúc này phù hợp với môi trường sống ở đô thị Tp.HCM đang ngày càng xấu đi, ngột ngạt hơn, nắng nóng hơn. Khuynh hướng kiến trúc này đã có thời kỳ là tiêu biểu cho kiến trúc Sài Gòn cũ. Nó đã được nghiên cứu và thực hiện rất tốt, đó là những công trình có hệ thống hoa tường, có hệ thống lam bao bọc bên ngoài để cản bức xạ. Nó phù hợp với kiến trúc tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh hiện nay. Nó cũng có dấu ấn riêng cần được nghiên cứu để bảo tồn và phát huy.

Mặt khác, nhiều giải thưởng kiến trúc quốc gia trong những năm qua đã được trao cho các công trình kiến trúc, nhưng nếu không có quy chế để đưa các công trình đoạt giải vào danh sách tiềm năng để bảo tồn thì những giá trị kiến trúc được tôn vinh ấy rất có thể nhanh chóng bị các chủ đầu tư dự án “bỏ quên” vì lý do… phát triển!

Những gì mà thế hệ hôm nay nhìn nhận là “tiên tiến”, là phù hợp với điều kiện sống tự nhiên và xã hội, sẽ có tiềm năng trở thành “bản sắc”, thành di sản văn hóa của các thế hệ mai sau. Nguồn di sản văn hóa giàucó phải “nuôi” mới có chứ không tự nhiên mà có!

(Theo TBKTSG)

  • 139
  • By Admin
  • 27/06/2011
  • 17