• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cần hành lang pháp lý cho công trình ngầm

Cần quy hoạch xây dựng ngầm

KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, bây giờ TP.HCM mới đề cập đến chuyện quy hoạch công trình ngầm là chậm so với yêu cầu phát triển. Quy hoạch dưới lòng đất là rất phức tạp nhưng không phải không làm được. Và khi quy hoạch lại, phải làm sao đáp ứng được yêu cầu hệ thống kỹ thuật ngầm mới phải dùng được cho nhiều ngành.

Cần hành lang pháp lý cho công trình ngầm

Thi công giếng ngầm ở dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Lê Toàn.


Ông Phan Phùng Sanh, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho rằng khi đã quy hoạch các tuyến hạ tầng kỹ thuật ngầm (tuynel) chung, thành phố nên giao cho một nhà đầu tư (qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu với những ưu đãi đã quy định trong Nghị định 41 về xây dựng ngầm đô thị) xây dựng.

Để tránh tình trạng đào lên lấp xuống và thuận tiện trong quản lý, khi đã có các tuyến tuynel chung thì thành phố không cấp phép cho bất cứ ngành nào xây dựng các tuyến tuynel riêng. Các ngành muốn sử dụng tuynel chung phải thuê lại không gian ngầm của nhà đầu tư tuynel chung.

Việc xây dựng các tuyến tuynel cho thuê sẽ trở thành nghề kinh doanh mới và thu hút được nhiều nhà đầu tư, ông Sanh nhận định. Và, nếu làm được điều này cũng sẽ giải được bài toán ngầm hóa hệ thống dây nhợ “đeo” trên các cột điện như hiện nay.

Nhưng điều quan trọng, theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nó sẽ xóa bỏ được rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà trong việc xây dựng các công trình ngầm, vì khỏi phải hỏi ý kiến nhiều ban ngành khi hạ tầng kỹ thuật ngầm đã tập trung về một đầu mối.

Với các công trình ngầm riêng lẻ như một tuyến đường ngầm, một bãi đậu xe ngầm hay một công trình ngầm dưới một cao ốc… trong khu đô thị hiện hữu, ông Cương cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét từng vị trí cụ thể, vì rất khó có thể quy hoạch các công trình ngầm như thế trong một đô thị cũ như vùng nội thành TP.HCM.

Tuy nhiên, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, vấn đề kết nối giữa các công trình ngầm là rất quan trọng. Như khi xây dựng bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, chủ đầu tư phải tính toán được trong 10 hay 20 năm tới lượng nhà cao tầng sẽ mọc lên trên các tuyến đường xung quanh công viên; khi đó tầng hầm của các cao ốc này sẽ kết nối như thế nào với bãi đậu xe ngầm? Nếu không có sự kết nối giữa các công trình ngầm thì không thể có được không gian ngầm!

Riêng đối với các đô thị mới, ông Sơn cho rằng cần phải có quy định về không gian ngầm và phải có quy hoạch định hướng những công trình ngầm sẽ được xây dựng trong tương lai. Về lâu dài, theo ông Võ Kim Cương, thành phố cần phải lập bản đồ hiện trạng hệ thống công trình ngầm và phải được cập nhật thường xuyên để dễ quản lý.

Cần một hàng lang pháp lý rõ ràng

Trước xu hướng phát triển của các công trình ngầm ở những thành phố lớn, năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định 41, quy định về xây dựng ngầm đô thị. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, nghị định này chỉ mới quy định những vấn đề chung chung.

Các quy định mà thực tiễn đang cần, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, là các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình ngầm (hiện nay chưa có). Cho nên, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm phải chờ đợi các ban ngành “hỏi ý kiến nhau” rồi lại “hỏi ý kiến bộ”… nhưng có những vấn đề vẫn chưa thể giải quyết được.

Theo Luật Xây dựng cũng như Luật Đất đai, công trình ngầm chỉ được gắn kết với các công trình trên mặt đất, vì công trình ngầm không được xây vượt giới hạn diện tích đất mà nhà đầu tư có quyền sử dụng - ranh giới trên bề mặt là chuẩn để xác định phần không gian bên dưới. Như vậy, nếu không có quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh thì chuyện kết nối giữa các công trình ngầm là điều không tưởng.

Chẳng hạn, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang gặp phải vấn đề nan giải: nhà ga ngầm Bến Thành kết nối như thế nào với tầng hầm Công viên 23-9 và tầng hầm của các cao ốc (trong tương lai khu đất Bệnh viện Sài Gòn sẽ xây cao ốc 45 tầng)?

Theo ông Hiệp, hiện nay đang thiếu các quy định về quy hoạch không gian ngầm - chưa có quy định về kết nối các tầng hầm, nên thành phố tỏ ra lúng túng. Mới đây, Bộ Xây dựng công bố dự thảo Luật Quy hoạch đô thị nhưng các quy định về công trình ngầm vẫn chưa được đề cập.

Thực tế, có nhiều vấn đề liên quan đến các công trình ngầm chưa có quy định cụ thể nên các cơ quan chức năng đôi khi phải “tùy nghi” trong các quyết định. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM,  thừa nhận thành phố đang gặp vướng mắc rất lớn về quy hoạch và xử lý tình huống các công trình ngầm.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn thực hiện cụ thể trong lĩnh vực này chưa có! Vì thế mà các dự án về bãi đậu xe ngầm kéo dài rất nhiều năm qua vẫn chưa có dự án nào được khởi công.

Chính những động thái mới đây trong câu chuyện xây dựng bãi đậu xe ngầm đã cho thấy thành phố vẫn còn chút do dự. Chính quyền thành phố vừa đồng ý cho IUS triển khai dự án bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám (5 tầng); nhưng cũng vừa đề nghị dừng dự án bãi đậu xe ngầm dưới công trường Lam Sơn của Công ty TNHH Đông Dương (10 tầng). Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, dự án của Công ty Đông Dương quá sâu trong khi chúng ta chưa rõ lắm về địa chất!

Phải chăng các cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh giác với các công trình ngầm, khi hàng loạt sự cố trong xây dựng các tầng hầm cao ốc xảy ra trong thời gian qua? Theo Sở Xây dựng, “lỗi gây ra đa phần do sự chủ quan của đơn vị thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư - một cách không đáng có”.

KS. Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho rằng các sự cố trong xây dựng tầng hầm thời gian gần đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Không nên hoang mang, vì nếu thi công đúng kỹ thuật thì công trình sẽ được đảm bảo. TS. Phan Hữu Duy Quốc, tập đoàn Xây dựng Shimizu (Nhật), cũng có cùng nhận định như vậy và cho rằng, ở Việt Nam việc sử dụng không gian ngầm vừa mới bắt đầu và còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Phát triển hệ thống công trình ngầm ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng khá mới mẻ, nên các quy định pháp luật để điều chỉnh chưa đầy đủ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển các công trình ngầm như hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh này.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

  • 0
  • By Admin
  • 04/08/2008
  • 17