• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cần doanh nghiệp địa ốc cần công khai hiệu quả của dự án

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng tại hội thảo “Minh bạch hóa thông tin trong hoạt động xây dựng” diễn ra sáng nay (30/9) tại Hà Nội.

Ông đánh giá thế nào về việc công khai minh bạch trong hoạt động xây dựng hiện nay?

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm.

Tính minh bạch hiện nay rất thấp, nhiều dự án chậm công bố thông tin. Lý do các chủ đầu tư đưa ra là phải hỏi cấp trên, tức là các Bộ chủ quản. Như vậy là không rõ ràng về trách nhiệm, ban quản lý dự án không lẽ chỉ là cái “loa”,  chờ cấp trên duyệt nội dung mới được công bố.

Vậy vì sao hiện nay tính minh bạch hiện lại rất thấp thưa ông?

Vấn đề này là do hiện nay chủ đầu tư vừa là người thực hiện lại vừa là người giám sát, quản lý.

Với những dự án nhỏ thì để tiết kiệm chi phí có thể làm như vậy được.

Nhưng với những dự án lớn, cần kiến thức chuyên nghiệp thì chủ đầu tư không thể trực tiếp quản lý dự án mà nên thuê tư vấn quản lý dự án.

Lý luận là các Bộ giám sát, nhưng thực tế Bộ không có đủ người nên thực tế vẫn là các chủ đầu tư làm. Nhiều khi động cơ tốt nhưng nếu làm sai thì cũng có thể bị tội.

Có ý kiến cho rằng, chủ đầu tư sợ trách nhiệm nên không dám công khai, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Muốn công khai phải có động lực. Động lực có thể là lợi ích và cũng có thể là truy cứu trách nhiệm. Vấn đề là  hiện nay việc buông lỏng quản lý là rất mạnh. Khi đã buông lỏng quản lý thì không có động lực cho người ta công khai và công khai cũng không có ai xem xét. Như vậy cái gốc là quản lý quốc gia thiếu tính chuyên nghiệp.

Vậy có nên có những ràng buộc khiến các chủ đầu tư phải công khai không?

Công khai không phải là muốn hay không muốn mà phải thành tự động hóa. Thí dụ ai phải kiểm tra, trước hết là kho bạc vì họ là nơi cung cấp tiền cho dự án và tiền này là tiền công quỹ nên phải quản lý. Bộ Kế hoạch đầu tư, nơi giao dự án cũng phải có trách nhiệm kiểm tra, chứ không phải chỉ quy trách nhiệm cho Bộ chủ quản. Vì thực ra Bộ chủ quản với chủ đầu tư gần như là một. Cấp dưới có lỗi thì cấp trên cũng không tránh khỏi trách nhiệm nên phải bao che, nếu không sẽ mang tiếng là quản lý kém.

Còn cần phải có chế tài giám sát. Chế tài không nhất thiết phải đi tù, có thể nếu đơn vị nào làm không tốt thì sẽ giảm bớt vốn đầu tư đi. Khi nào tốt hơn thì mới phân bổ cho nhiều tiền.

Thực tế là hiện nay nhiều người chỉ quan tâm đến chất lượng công trình tại thời điểm hoàn thành, vậy theo ông quá trình vận hành sau đó có cần phải tiếp tục công khai?

Đây là vấn đề rất quan trọng của công khai. Nhiều công trình mất bao nhiêu tiền xây xong nhưng không sử dụng được và cũng không công khai. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì những thông tin như cầu xây xong không có người đi vì không có đường, chợ xây xong không có người họp hay sự cố nứt mặt cầu Thăng Long…

Muốn công khai hiệu quả thì phải công khai cả hậu dự án. Nhiều chất lượng xây dựng không bộc lộ ngay lúc nghiệm thu mà sau khi vận hành mới xảy ra sự cố, thế nhưng không công khai thì cũng không ai biết được.

Chủ đầu tư được lợi gì từ việc công khai minh bạch thông tin, thưa ông?

Nếu minh bạch, chủ đầu tư sẽ rõ ràng trách nhiệm của mình khi thực hiện dự án về mặt thời gian cũng như chất lượng. Trong quá trình làm, các chỉ tiêu đều có thể vượt, và nếu vượt mà không công khai thì trách nhiệm ở chủ đầu tư.

Ví dụ vì sao chậm, do nhà thầu, cung ứng hay nguyên nhân nào khác, phải công khai thì mới biết và có hướng xử lý kịp thời cũng như làm rõ trách nhiệm cụ thể, nếu không sẽ hỏi người quản lý.

Hoặc nhiều nhà thầu khi tham gia đấu thầu biết không công bằng nhưng vẫn phải “im” vì nếu không lần sau sẽ bị chú ý thì còn khó làm ăn hơn.

Vì vậy, nếu công khai lên thì nhà đầu tư dù không kiện, nhưng người khác có thể chất vấn để đòi sự công bằng cho nhà đầu tư đó.

(Theo KH&ĐS)

  • 0
  • By Admin
  • 01/10/2010
  • 17