Cần chính sách tín dụng dài hạn cho nhà ở xã hội
Phân khúc NƠXH luôn cần một chính sách tín dụng dài hạn. |
Đại đa số người dân chọn vay ưu đãi khi mua NƠXH
Các nghiên cứu về thị trường nhà ở của Bộ Xây dựng chỉ ra 80% những người có nhu cầu về nhà ở không có đủ khả năng tự mình chi trả theo cơ chế thị trường. Thực tế này dẫn đến sự nở rộ của loại hình nhà ở xã hội trong nhiều năm qua. Việc các ngân hàng ngừng giải ngân gói 30.000 nghìn tỷ từ 31/3/2016 khiến cả người mua và người bán phân khúc NƠXH rơi vào tình cảnh khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người ký hợp đồng mua nhà tại một số dự án đang ở giai đoạn xây thô liên tục hối thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để tận dụng tối đa điều kiện ưu đãi trước ngày gói tín dụng "đóng cửa". Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người mua đã tính đến phương án trả lại nhà nếu phải chịu lãi suất thương mại do không có khả năng thanh toán.
Việc gói 30.000 nghìn tỷ ngừng giải ngân cũng khiến nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô quan ngại. Đại diện lãnh đạo Cty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí, chủ đầu tư dự án KDTM Tứ Hiệp cho biết hơn 90% khách hàng của công ty phải vay gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ với nhu cầu vay từ 70 - 80% tổng giá trị hợp đồng mua nhà. Khi gói ưu đãi kết thúc, người dân thu nhập thấp có nhu cầu thực sẽ đối mặt với khó khăn về nguồn tài chính. Vì thế, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc tìm "đầu ra" cho sản phẩm.
Các dự án nhà ở xã hội như Bamboo Garden (Quốc Oai), The Vesta (Hà Đông) đang đối mặt với vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Hiện các dự án trên đều trong giai đoạn đã và đang chuẩn bị hoàn thành, nhưng khách hàng đều không dám mạnh tay ký hợp đồng mua bán do việc ngừng giải ngân gói 30 nghìn tỷ.
Sự cần thiết của một chính sách tín dụng dài hạn
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) được thực hiện vào cuối năm 2015, tỉ lệ các gia đình Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đống/ tháng chiếm 40%. Mức thu nhập này khiến việc sở hữu nhà vượt khả năng tự chi trả theo cơ chế thị trường của người dân. Một chính sách tín dụng mang tính dài hạn cho loại hình nhà ở xã hội trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước còn là yếu tố quan trọng tác động đến việc nhà đầu tư đưa ra "giá thành". Ông Nguyễn Xuân Đức - Phó giám đốc Cty CP Hồng Hà Dầu khí khẳng định sự ưu đãi lãi suất vốn vay cũng quan trọng như ưu đãi về thuế, đất sạch hay thủ tục nhanh gọn nhằm tung ra thị trường những sản phẩm có mức giá phù hợp, hướng đến người thu nhập thấp. Theo ông Đức, Nhà nước nên có một chiến lược, chính sách tín dụng dài hạn cho lĩnh vực nhà ở xã hội, không nên dừng ở một gói nào đó hay ở một thời điểm nhất định. Việc hỗ trợ của DN với khách hàng nếu có chỉ là một phần rất nhỏ bởi tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội các DN đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%.
"Không được vay vốn ưu đãi thì DN dù có áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí, song giá bán chắc chắn sẽ cao hơn, dẫn đến người mua phải 2 lần chịu thiệt khi vừa phải mua giá cao, vừa phải chịu lãi suất thương mại. Như vậy, người có thu nhập thấp không thể kham nổi khi hàng tháng phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi từ 9 - 10 triệu đồng”, ông Đức nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cty CP Bất động sản Hải Phát cũng đồng quan điểm khi cho rằng phát triển nhà ở xã hội là một chiến lược dài hơi đã được đưa vào Luật và trong Nghị định. Việc ngừng những gói như 30 nghìn tỷ khiến người mua nhà và chủ đầu tư gặp khó khăn. Người mua do vấn đề tài chính, mất cơ hội tiếp cận với sản phẩm giá rẻ. Doanh nghiệp sẽ không hào hứng tham gia vào lĩnh vực này khi đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia tài chính phân tích và nhận định với mức lãi suất 5% thì ngân hàng cũng có lợi và người đi mua nhà có điểm tựa về tài chính để trả nợ dần. Điều đó không những góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội mà còn tạo đầu ra ổn định, rõ ràng cho các DN tham gia phát triển nhà ở xã hội.
- 416
- By Admin
- 08/07/2016
- 17