Cận cảnh đồ án ý tưởng quy hoạch Hà Nội năm 2030
Trong clip dài hơn 12 phút, hình ảnh Hà Nội tương lai hiện lên chủ yếu qua các bản vẽ, con số. Nền nhạc sử thi trước đây được thay bằng các giai điệu quen thuộc về Hà Nội. Các hiệu ứng bắt mắt cũng được giảm thiểu tối đa, tạo cho người xem cảm giác thực tế hơn về thủ đô.
Theo đồ án, tới năm 2030, đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 4 và phía bắc sông Hồng qua khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên. Đây là trung tâm chính trị, lịch sử, văn hóa, ngoại giao, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước. Dự báo đến năm 2030, khu vực này có dân số 4-4,6 triệu người.
Ý tưởng về 5 đô thị vệ tinh được giữ nguyên. Mô hình nông thôn mới được đề cập khá chi tiết. Không gian xanh bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh và các nêm xanh xen giữa các khu đô thị. Trong đó hành lang xanh chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên.
Về giao thông, điểm nhấn là trục Thăng Long - nắm giữ vai trò trục giao thông nối Ba Vì với Hoàng Quốc Việt, Hồ Tây. Ngoài ra, trục Thăng Long cũng được kỳ vọng kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa Xứ Đoài. Trên trục này sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có Đài Độc lập và công viên cảnh quan.
Kết thúc trục Thăng Long (tại Ba Vì) là khu vực dự trữ đất quốc gia dành để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia sau năm 2050. Từ nay tới năm 2030, việc di dời trung tâm hành chính ra Hòa Lạc (như clip cũ) hay khu Mỹ Đình không được đề cập tới.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề giao thông đô thị, đồ án quy hoạch đã đề xuất thiết lập trục hướng tâm và các tuyến vành đai, phát triển mạnh giao thông công cộng, xe buýt nhanh, hệ thống 6 tuyến tàu điện ngầm (metro)... tách biệt lưu thông hàng hóa với giao thông đô thị. Nâng cấp cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài sau năm 2030 đạt công suất 50 triệu lượt người một năm, sân bay Gia Lâm phục vụ chuyên chở khách nội địa tầm ngắn. Sân bay thứ hai của Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng sau 2030. Ngoài ra, khai thác thêm trục đường thủy trên sông Hồng...
Đồ án mới cũng đã nghiên cứu sâu vấn đề bảo tồn di sản với việc bảo tồn khu phố cổ, phố cũ, hoàng thành Thăng Long, thành cổ Sơn Tây. Ngoài ra, định hướng phát triển nhà ở, mạng lưới hệ thống y tế, dịch vụ, thể thao... cũng được đề cập tới.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô sẽ được thảo luận tại tổ vào ngày 3/6 và thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 15/6.
Theo Vnexpress
- 155
- By Admin
- 03/06/2010
- 17