• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cần bước đột phá về nhà ở cho người có thu nhập thấp

Cần bước đột phá về nhà ở cho người có thu nhập thấp
Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp
Trong số các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009, thì kích cầu đầu tư và cầu tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh có sự suy giảm động lực phát triển từ bên ngoài.

Khuyến khích các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp

Thực hiện kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư, bất chấp hiệu quả, mà cần tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng; các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt; các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế; các dự án thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Ưu tiên các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đặc biệt là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế-xã hội và môi trường…

Theo tinh thần đó, cần đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, cải thiện căn bản quỹ nhà ở xã hội.

Về cầu, hiện có sẵn thị trường tiêu thụ rộng lớn với hàng chục triệu hộ gia đình cán bộ, công nhân viên chức và người lao động khắp cả nước đang gặp khó khăn về nhà ở (hàng chục ngàn hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hàng trăm ngàn lao động từ nông thôn ra thành thị làm việc tại các KCN, KCX, các nhà máy, công trường …). Về cung, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp không đòi hỏi vốn lớn, nên phù hợp với khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, ngân hàng và người dân; phù hợp với năng lực xây dựng của các doanh nghiệp và tư nhân trong nước…

Hơn nữa, việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp  còn phù hợp định hướng XHCN của nền kinh tế, cũng như trực tiếp góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp; tạo động lực phát triển liên ngành xây dựng, sản xuất vật liệu, nội thất, tranh thủ được nguồn nguyên liệu giá rẻ đang tồn đọng trên thị trường, cũng như thu hút lao động nhàn rỗi đang gia tăng từ các khu công nghiệp gặp khó khăn về thị trường phải thu hẹp sản xuất…

Hướng tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội

Nhà ở cho người có thu nhập thấp là vấn đề bức xúc xã hội lớn, song giải quyết vấn đề này theo cơ chế thị trường không dễ dàng, do kém hấp dẫn về doanh lợi và thường không được xếp hàng đầu trong các ưu tiên của các tổ chức tài chính - tín dụng, đến các công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Dưới góc độ khả năng tài chính của người có thu nhập thấp, thì bất chấp xu hướng chựng lại hoặc giảm giá ở mức độ nhất định cả về nhà ở lẫn đất đai trên thị trường bất động sản trong nước, vẫn có thể khẳng định rằng giá cả hiện tại là quá cao so với thu nhập của họ.

Nhà ở xã hội phải phù hợp với với nhu cầu và khả năng đa dạng và có hạn của người mua với quy mô và tiêu chuẩn khác nhau. Trong khi đó, chính sách và biện pháp tài chính của Nhà nước chưa đủ mạnh để phát triển thị trường nhà ở xã hội… Vì vậy, cần phát triển quỹ và thị trường nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở thúc đẩy xã hội hoá các hoạt động này với vai trò nhạc trưởng của Nhà nước.

Một mặt, cần khuyến khích các hoạt động xây dựng nhà ở xã hội; mọi thành phần doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện kỹ thuật và tài chính đều được tham gia xây dựng nhà ở xã hội không giới hạn về quy mô, lãnh thổ. Phát triển mạnh thị trường tài chính liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội; đa dạng hoá các hình thức đầu tư (trực tiếp, gián tiếp), các loại hình tổ chức kinh doanh và phát triển nhà ở xã hội (100% tư nhân, nhà nước, cổ phần, liên doanh, hiệp hội, đoàn thể, quỹ). Khuyến khích các tập đoàn kinh doanh bất động sản, xây dựng chuyên nghiệp (kể cả nước ngoài), có năng lực tài chính và công nghệ mạnh đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này, đồng thời phát triển mạnh thị trường vật liệu xây dựng và các dịch vụ liên quan đến nhà ở.

Mặt khác, cần đề cao vai trò của nhà nước trong phát triển và quản lý quỹ, thị trường nhà ở xã hội, bao gồm từ hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết theo hướng tự do hoá và thị trường hoá phát triển quỹ nhà xã hội, phê duyệt và giám sát thực hiện các quy hoạch không gian và kiến trúc tổng thể, các tiêu chuẩn định mức kỹ thuật xây dựng đảm bảo an toàn và hài hoá cảnh quan đô thị, ngăn chặn và xử phạt nghiêm khắc các hành vi gian dối, tham nhũng và lãng phí trong xây dựng, quản lý nhà xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ có thể dành ưu đãi nhiều chính sách (nhất là về thủ tục và miễn giảm tối đa thuế và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến đất đai và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp), cũng như mạnh dạn sử dụng NSNN trong gói kích cầu của mình để thực hiện xây dựng các quy hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng và cung ứng cơ sở hạ tầng cần thiết (điện, nước và các dịch vụ công khác), tạo cú hích và định hướng các dòng đầu tư xã hội cho các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với ngân sách của nhà nước, cần có cơ chế mới huy động tất cả các nguồn lực trong xã hội để thực hiện chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, tuỳ địa phương có thể áp dụng trên thực tế một số mô hình, như Hợp tác xã nhà ở, Quỹ tiết kiệm nhà ở…

Cần nhấn mạnh rằng, phát triển nhà ở xã hội cần sự phối hợp liên ngành giữa các thể chế tài chính nhà ở cho người có thu nhập thấp (HTX nhà ở, các quỹ tín dụng nhà ở, các quỹ khuyến nông, quỹ hỗ trợ người nghèo và ngân hàng chính sách…) với các đoàn thể, chính quyền ở địa phương và bản thân những người có thu nhập thấp để hình thành những quan hệ về tín chấp và bảo lãnh tín dụng nhà ở xã hội một cách mềm dẻo, khả thi, thích hợp với những đối tượng có thu nhập thấp cụ thể. Trong đó, đề cao vai trò của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và một số đoàn thể khác với tư cách là trung gian để các thể chế tài chính nói trên chuyển giao các nguồn vốn đầu tư và tín dụng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là thành viên của các hội, đoàn thể này.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng có thể phối hợp với doanh nghiệp có chức năng cùng góp vốn đầu tư xây dựng quỹ nhà ở phục vụ người có thu nhập thấp. Người thu nhập thấp có thể trả góp, hoặc trả trước tiền mua nhà, thuê nhà thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng./.

Theo TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chinhphu.vn

  • 0
  • By Admin
  • 20/03/2009
  • 17