Cán bộ để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai bị xử lý từ cảnh cáo đến thôi việc
Giải quyết các trường hợp vi phạm quản lý đất đai và trật tự xây dựng được coi là vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý đô thị tại quận Tây Hồ trong những tháng qua. Từ đầu năm đến nay, mặc dù địa bàn quận không phát sinh vi phạm mới về quản lý trật tự đất đai, nhưng vi phạm cũ tồn tại vẫn nhiều. Quận đã tiến hành rà soát, phân loại các trường hợp đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 đến nay (hơn 100 trường hợp) nhưng chưa thể thực hiện, để từ đó có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo các phường triển khai, đặc biệt là tại hai phường Yên Phụ và Phú Thượng (hai địa bàn tồn tại nhiều trường hợp nhất). Trong đó có rất nhiều trường hợp không có đầy đủ hồ sơ lưu trữ, rất khó quản lý. Hiện quận đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở pháp lý tổ chức thu hồi 13.204 m2 đất tại khu vực đầm cụm 1 phường Phú Thượng và hồ sơ cưỡng chế 28 trường hợp lấn chiếm đất công với diện tích 19.734m2 tại các phường khác.
Quận cũng chỉ đạo UBND các phường lập hồ sơ, dữ liệu các khu vực đất công dễ bị lấn chiếm để đưa vào quản lý. Tuy nhiên, do quận có nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư, làng xóm cũ, làm cho công tác quản lý đất nông nghiệp khó khăn. Tình trạng tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, mua bán, chuyển nhượng trái phép vẫn còn tiếp diễn. Toàn quận có 175 điểm đất nông nghiệp, đất công chưa sử dụng nhỏ lẻ, xen kẹt trong các khu dân cư với tổng diện tích 353415,63m2. Quận đã giao cho Phòng KH-KT phối hợp cùng các đơn vịliên quan phân tích, đề xuất phương án sử dụng
Trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, tính đến hết tháng 9/2008, quận đã cấp được 643 GCN/tổng số 733 hồ sơ xin cấp phép. Một điểm đáng lưu ý là hiện tượng xây dựng không phép, trái phép vẫn tồn tại nhiều. Thanh tra xây dựng quận và các phường cũng đã cưỡng chế 42/45 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đình chỉ thi công 25 trường hợp và ra quyết định phạt tiền 122 trường hợp.
Ông Nguyễn Phúc Quang, chủ tịch UBND quận cho biết, vấn đề quản lý trật tự xây dựng, đô thịcủa quận trong năm qua còn nhiều bức xúc, ngoài yếu tố khách quan là do đặc thù của quận có nhiều phường ngoài đê, đất nông nghiệp xen kẽ. Điều đáng nói hơn là một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan chuyên môn và các phường, nên việc xử lý vi phạm bịkéo dài. Chất lượng cán bộ trong lĩnh vực này chưa đạt năng lực chuyên môn. Để chấn chỉnh, ngoài việc rà soát, thay thế những cán bộ không có năng lực tại các phường, quy định về trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng đối tượng cán bộ cụ thể vừa được quận ban hành sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện tình hình. Và các hình thức xử lý kỷ luật sẽ được thực hiện nghiêm, công khai, nếu tái phạm sẽ bị xử lý bằng hình thức cao hơn, thậm chí xử lý theo pháp luật.
Theo đó, từ chủ tịch phường đến cán bộ, công chức từ quận, đến phường có liên quan đến quản lý đô thị, đất đai đều được quy định rõ trách nhiệm và kèm theo hình thức xử lý từ cảnh cáo đến buộc thôi việc nếu làm không đúng. Nếu một thanh tra xây dựng phường, quận để tồn tại vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân mà không báo cáo kịp thời và đề xuất biện pháp giải quyết sẽ bị xử lý. Một cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường, kể cả lãnh đạo phòng, khi nhận được báo cáo của phường về vi phạm quản lý đất đai, trong thời gian 3 ngày phải tiến hành kiểm tra, làm việc với cơ sở, sau đó nếu không báo cáo kịp thời với lãnh đạo cấp trên cũng bị xử lý. Với chủ tịch, phó chủ tịch phường, nếu để tồn đọng vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm trật tự xây dựng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, khiếu kiện kéo dài trong nhân dân hoặc khi đã có hướng dẫn của các phòng chuyên môn, chỉ đạo của quận mà không thực hiện sẽ bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo đến cách chức, bãi nhiệm…
Theo KTĐT
- 215
- By Admin
- 03/10/2008
- 17