• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cản âm thanh vào nhà

Chống ồn từ nhiều phía

TS.KTS Ngô Doãn Đức, viện trưởng Viện Kiến trúc cho biết, các ngôi nhà, nhất là nhà gần mặt đường phải đối mặt với nhiều loại tiếng ồn: còi xe, xe cộ đi lại, các hoạt động giao thông... Có hai loại ồn là ồn từ bên ngoài vào nhà và ồn từ trong căn nhà (tầng 2 gây ồn cho tầng 1)... Để chống ồn cho nhà, điều đầu tiên là phải chú ý đến các loại cửa (cửa ra vào, cửa sổ).

Cách tốt nhất là sử dụng cửa có cách âm, cửa dày, trọng lượng lớn. Đối với cửa gỗ, nên chọn loại gỗ tốt, có tỷ trọng lớn như lim, đinh hương, cửa nên đóng dày để ngăn tiếng ồn xâm nhập vào nhà. Tránh sử dụng các loại gỗ có tỷ trọng nhẹ như gỗ thông lại đóng mỏng. Khi lắp đặt cần chú ý hạn chế tối đa các khoảng hở, sử dụng đệm hoặc mối nối cao su để bảo vệ cửa và bịt kín các khe hở nếu có. Việc sử dụng các rèm cửa, vừa làm đẹp, vừa che ánh nắng đồng thời cũng góp phần giảm thiểu tiếng ồn.

Cửa đóng dày ngăn tiếng ồn vào nhà.

Theo TS Nguyễn Văn Huynh, Phó  viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, về cửa, có thể sử dụng nhiều lớp cửa hoặc là cửa kính nhiều lớp để ngăn cản âm thanh vào nhà. Trên thị trường có bán một số loại cửa kính chống ồn nhiều lớp, giữa các lớp này sẽ được để chân không hoặc bơm khí nitơ vào đó để cách âm, chống ồn.

Tường có thể cách âm bằng việc phải xây dày hơn hoặc sử dụng các loại vật liệu không nung như bê tông bọt, bê tông khí... để cách âm tốt nhất. Người ta ít quan tâm đến việc cách âm trên mái, bởi phần lớn tầng trên cùng thường không dùng để ở mà để phơi đồ. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng một lớp cách âm bằng tôn nhiều lớp. Phần trên là tôn, ở giữa là lớp xốp, dưới cùng là một lớp trang trí.

Tạo bong bóng trong bê tông, gạch

PGS.TS Nguyễn Hồng Quyền, Viện Khoa học Vật liệu cho biết, cách chống ồn cho nhà  tốt nhất là xây bằng bê tông siêu nhẹ, gạch nhẹ cách âm cách nhiệt.

Vật liệu này làm bằng xi măng, các chất tạo bọt tạo thành những bong bóng kết dính bên trong của bê tông khối hoặc gạch. Loại vật liệu này có thể đổ thành khối tường hoặc đổ thành viên gạch. Độ bền của loại vật liệu này tốt hơn gạch. Độ chống ồn, cách âm phụ thuộc vào yêu cầu của người sử dụng. Độ xốp càng cao, độ cách âm càng lớn nhưng khả năng chịu lực lại thấp đi.

Nhà cũ cũng chống được ồn

KTS Ngô Doãn Đức cho biết, nhà cũ không thể "thay đổi kiến trúc của ngôi nhà" được, nhưng có thể  "cải  tạo" bằng việc sử dụng các nội thất trong nhà để giảm thiểu tiếng ồn ví dụ  như trang trí rèm, thảm trải sàn...

Cũng theo TS Nguyễn Văn Huynh, việc cải tạo nhà cũ cũng phải tuân theo những nguyên lý này. Bằng cách tạo thêm lớp cửa, lợp mái, trát, sơn lại tường... Tuy nhiên, vật liệu cách âm có đối tượng khách hàng là người có thu nhập cao hơn, nên thông thường người ta không sử dụng cách âm cho các mái nhà cấp 4.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quyền cho biết, không thể phá ra xây lại nên nếu muốn cải tạo nhà cũ thì chỉ nên xử lý lại nền nhà. Đổ vào nền một lớp bê tông cách âm, cách nhiệt sau đó thì lát lại gạch.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quyền cũng khuyến cáo thêm, tùy vào từng trường hợp cụ thể của ngôi nhà, nguồn ồn và mức ồn để có những thiết kế phù hợp. Ngoài ra, sử dụng vật liệu nào phải hiểu đúng tác dụng của vật liệu đó. Ví dụ như xốp cách âm nhưng lại không chịu được nhiệt. Việc sử dụng mái ngói sẽ đỡ ồn hơn mái tôn nhưng để cách âm thì người ta sử dụng một lớp bê tông nhẹ chống nóng ở mái ngói để cách nhiệt và cách âm.

(Theo KH&ĐS)

  • 257
  • By Admin
  • 18/10/2010
  • 17