Cần Thơ: Nhà đầu tư không "mặn mà" vì giá đất cao
KCN Thốt Nốt có quy mô 600 ha mới lấp đầy được 55 ha/100 ha của giai đoạn 1. KCN Ô Môn (600 ha) và KCN Bắc Ô Môn (400 ha) đang tiến hành lập quy hoạch 1/2000. Ba KCN còn lại là Hưng Phú 1, BMC-Hưng Phú 2A, và Hưng Phú 2B đang có những khó khăn nhất định trong việc giải phòng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư.Ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ (chủ đầu tư KCN Hưng Phú 2B có diện tích 67,2 ha) cho biết, nếu thực hiện chính sách đền bù hỗ trợ tái định cư hiện hành thì giá đền bù khoảng 5 tỷ đồng/ha. Để có hạ tầng hoàn chỉnh và thực hiện tốt chính sách tái định cư đáp ứng cho cả KCN này thì doanh nghiệp cần có nguồn vốn đến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ có 110 tỷ đồng. Nếu làm theo kiểu “cuốn chiếu” lại gặp nhiều rủi ro khi giá đất tăng, chậm thu hồi vốn, không thể phân khu chức năng theo quy hoạch.
Theo ông Hồ, để có 7,5 ha đất công nghiệp phải đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Sau đó phải dừng lại chờ nhà đầu tư thuê hết đất mới có tiền làm tiếp. Như vậy, doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay và giá đất đền bù cho giai đoạn tiếp theo tăng lên do sự điều chỉnh giá đất hàng năm và thay đổi chính sách đền bù.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty VLXD và xây lắp thương mại BMC (chủ đầu tư KCN BMC-Hưng Phú 2A có diện tích 134 ha) cho rằng, mỗi khi nhà nước ban hành chính sách đền bù mới và điều chỉnh giá đất thì gần như doanh nghiệp lại phải làm lại hoàn toàn hồ sơ đền bù. Chính yếu tố này làm cho dự án càng chậm tiến độ. Mặt khác, do diện tích đất đền bù “da beo” không liền canh làm cho doanh nghiệp rất khó trong xây dựng hạ tầng và cho thuê đất. Thực tế, doanh nghiệp đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng vào KCN này nhưng vẫn chưa có doanh thu là một vướng mắc rất lớn cần được chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực để tháo gỡ.
Ở KCN Hưng Phú 1 (262 ha) do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn-Cần Thơ làm chủ đầu tư, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn khi mà diện tích giải phóng mặt bằng chỉ đạt hơn 40 ha.
Đáng chú ý là ba KCN này có vị trí đắc địa ở ven sông Hậu, sát cảng Cái Cui và chỉ cách trung tâm TP.Cần Thơ 8 km nên giá đất tại khu vực này khá cao, nhất là khi người dân mong muốn được đền bù tương đương với các khu dân cư lân cận. Trong khi đó, KCN Sông Hậu (Hậu Giang) và KCN Bình Minh (Vĩnh Long) gần đó lại thuộc địa bàn được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng và có khung giá đất đền bù thấp nên giá cho thuê đất công nghiệp thấp hơn nhiều so với các KCN trên địa bàn TP.Cần Thơ. Chính sự cạnh tranh “không cân xứng” này càng khiến nhà đầu tư hạ tầng KCN tại Cần Thơ cân nhắc khi quyết định bỏ vốn.
Ông Võ Thành Thống, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng cho hay, ở thời điểm này, TP.Cần Thơ gần như không còn quỹ “đất sạch” để mời gọi đầu tư nên địa phương cũng muốn các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, thực tế ngân hàng siết cho vay bất động sản, lãi suất vay cao, chi phí đền bù cao khiến giá thành và giá cho thuê đất bị vọt lên đang khiến nhà đầu tư ngại triển khai, bởi chưa tìm ra cách đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
(Theo Đầu tư)
- 0
- By Admin
- 09/07/2011
- 17