Cần Thơ: Ngổn ngang những dự án "rùa"
Người dân vẫn đồng tình, nhất trí cao với chủ trương quy hoạch đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Có điều, dự án kéo dài - người dân quen gọi là “dự án rùa”, đã khiến đời sống của bà con nông dân gặp phải khó khăn.Vị trí quy hoạch dự án triệu đô của Công ty Long Thắng sau gần 10 năm triển khai, vẫn là khu đất hoang hóa. |
Từ quận trung tâm Ninh Kiều, chỉ cần bước qua cầu Quang Trung là chúng tôi đã đặt chân đến khu đô thị Nam Cần Thơ với tổng diện tích trên 3.000ha. Chính quyền Cần Thơ từng kỳ vọng về hàng chục dự án nằm dọc hai bên đường dẫn cầu Cần Thơ sẽ mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, năng động. Thế nhưng, không phải muốn là được khi đã có những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư chỉ muốn “đậu” ở vùng “đất lành” này là để xí phần, chứ thực tế chẳng có năng lực tài chính hoặc chẳng thiết tha, mặn mà với mục tiêu ban đầu để trình phê duyệt, xin chủ trương.
Chiều 13/8, chúng tôi ghé dự án gần nhất. Đó là dự án nằm tại lô số 1, tổng diện tích trên 60ha, do Công ty TNHH TVĐT - TM Long Thắng làm chủ đầu tư. Có thể nói, đây là dự án có vị trí đẹp nhất, nhì khu đô thị Nam Cần Thơ bởi nó nằm đối diện với bến Ninh Kiều, lại cạnh ngã ba sông Hậu rẽ vào sông Cần Thơ.
Anh Võ Văn Thanh, nhà ở khu vực 7, phường Hưng Phú, có đất dính vào dự án vừa kể, bức xúc, bày tỏ: “Dự án triển khai trên địa bàn phường đã gần chục năm rồi, quyền lợi của bà con chúng tôi bị thiệt thòi đủ đường, giờ chẳng xong, trong khi nhà cửa người dân chúng tôi hư hỏng, xuống cấp, muốn xây cất hay sửa lại nhà đều không được”.
Người dân cho biết, trong các dịp đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri, bà con than phiền, kiến nghị chỉ đạo nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng phản ánh, kiến nghị rồi, tới nay vẫn chưa thấy tiến triển gì cả.
Chúng tôi ghé vào UBND phường Hưng Phú tìm hiểu về nhà đầu tư thì được ông Nguyễn Hồng Sơn, cán bộ địa chính cho biết sau gần chục năm triển khai ì ạch, đến nay dự án vẫn án binh bất động dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến gần 2.000 hộ dân.
Trong quá trình thực hiện dự án này, Công ty Long Thắng đã liên doanh với Công ty Aspial Investment lập Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Sông Hậu, được chính quyền TP cấp chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2011. Theo đó, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 570 tỷ đồng, trong đó Công ty Long Thắng chỉ góp có 19 tỷ đồng, Công ty Aspial Investment góp 171 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.
Theo một báo cáo của ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty Long Thắng gửi chính quyền địa phương, sở dĩ Công ty chậm trả bồi thường cho các hộ dân là do một số vấn đề khách quan nên đến nay nguồn kinh phí chưa chuyển vào kịp (?).
Trước thực tế triển khai dự án với tốc độ… rùa bò như thế, gây khó khăn cho người dân trong vùng dự án, Chủ tịch UBND quận Cái Răng Mai Hồng Châu cho biết, HĐND quận đã kiến nghị UBND TP.Cần Thơ thu hồi chủ trương đối với chủ đầu tư này. Thực tế, đó không phải là dự án duy nhất được người dân Tây Đô gọi là “dự án rùa”.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, có ít nhất 8 dự án đầu tư khu dân cư, tái định cư trên địa bàn TP Cần Thơ vừa bị thu hồi cũng do chủ đầu tư chậm triển khai, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và lợi ích kinh tế của địa phương. Đó là dự án của các chủ đầu tư: Công ty Việt Khang, Công ty Nam Trường Sơn, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Công ty Vạn Phong, Công ty Phú Hưng, Công ty Hồng Loan, Công ty Hòa Phát và Công ty Thái Nguyễn.
“Sở Xây dựng đang tiếp tục rà soát 25 dự án khác có tiến độ thực hiện chậm, nếu DN không chứng minh được năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ thu hồi chủ trương đầu tư” – ông Mai Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết thêm. Chưa dừng lại ở đó, thông tin từ Sở KH&ĐT TP.
Cần Thơ cho biết đang đề xuất chính quyền TP thu hồi chủ trương đầu tư đối với 8 dự án thuộc lĩnh vực phúc lợi công cộng, sản xuất, phát triển kinh tế với tổng diện tích đất gần 100 ha, tổng giá trị đầu tư lên gần 2.000 tỷ đồng. Đó là dự án Công viên nghĩa trang Bình Thủy của Công ty Hoa Sen Vàng; chợ An Bình mở rộng của Công ty CP Xây dựng Cần Thơ; khách sạn cao cấp 5 sao của Công ty Hào Tân; siêu thị thương mại tại quận Ô Môn của Công ty Me Kong; khu dân cư và chợ Trà Nóc của Công ty Hồng Phát; Trung tâm phân phối kho vận của Công ty Phú Thái; khu khách sạn 5 sao tại cồn Cái Khế của Công ty Thanh Trà và dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Công ty Minh Việt.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, qua rà soát các dự án cho thấy hầu hết dự án được thực hiện trước năm 2011 bằng nguồn vốn vay ngân hàng, gần đây do chính sách thắt chặt tiền tệ nên các chủ đầu tư gặp khó khăn, đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 17/09/2012
- 17