Cấm chia lô bán nền: Mục tiêu bất thành
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, cả mục tiêu quản lý lẫn mục tiêu hình thành các đô thị hiện đại thu được kết quả rất khiêm tốn.Lãng phí đất đai, tiền bạc
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, trên phạm vi toàn quốc hiện có 2.500 dự án bất động sản đang được triển khai, trong đó tại Hà Nội có trên 850 dự án, TP. HCM có gần 1.500 dự án, Hải Phòng có 260 dự án, Đà Nẵng có trên 120 dự án.Mới đây, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện dự án và sử dụng nhà ở tại 18 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội. Trong 18 dự án được kiểm tra, theo thiết kế có tổng số 25.519 căn nhà ở các loại, trong đó có 7.419 căn nhà thấp tầng (biệt thự là 3.106 căn, nhà liền kề là 4.313 căn), chung cư là 18.100 căn hộ.
Tính đến thời điểm kiểm tra, nhà thấp tầng có 6.860 căn đã xây dựng, trong đó có 5.152 căn được đưa vào sử dụng (biệt thự là 1.803 căn, liền kề là 3.349 căn), còn 1.708 căn chưa hoàn thiện (biệt thự còn 831 căn, nhà liền kề còn 877 căn).
Những dự án có số lượng nhà chưa sử dụng nhiều là Khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có căn biệt thự nào được sử dụng, Khu nhà ở Quang Minh 2 còn 106/208 căn biệt thự và 67/106 căn liền kề chưa hoàn thiện, Khu đô thị mới Dịch Vọng có 67/82 căn biệt thự và 26/72 căn nhà liền kề chưa sử dụng, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp còn 100/213 căn biệt thự chưa sử dụng, Khu đô thị mới Mỗ Lao - Làng Việt kiều châu Âu còn 186/257 căn biệt thự và 191/262 căn nhà liền kề chưa sử dụng.
Những dự án đã được xây dựng cách đây hàng chục năm và cơ bản đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như Khu đô thị Mỹ Đình II vẫn còn 19/206 căn biệt thự chưa sử dụng, Khu đô thị mới Trung Yên còn 5/61căn biệt thự và 26/646 căn nhà liền kề chưa sử dụng.
Gốc rễ của đầu cơ
Theo quy định hiện nay, các dự án chỉ được áp dụng hình thức chia lô, bán nền với các đô thị hạng 3 trở xuống và các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những khu vực có tính đặc thù riêng do kinh tế người dân còn khó khăn, không thể thanh toán tiền nhà một lần, mà phải trả chia làm nhiều đợt.Tuy nhiên, hiện ở các thành phố lớn vẫn có tình trạng các dự án khu đô thị vượt rào luật pháp, dù biết là bị cấm nhưng vẫn chia lô, bán nền để kiếm lợi. Khi chọn hình thức này, chủ đầu tư không phải chi phí nhiều, nhà đầu cơ cũng thích vì không phải bỏ thêm tiền đóng góp xây thô...
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên thực tế, đề xuất xóa bỏ chia lô, bán nền không mới và đáng lẽ nó phải khả thi từ lâu. Nhưng bởi có sự móc ngoặc giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, nên tình trạng này vẫn xảy ra. Dẫn đến hình thành các khu đô thị hoang hóa, manh mún, mất mỹ quan.
Đồng tình với nhận định trên, ông nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhìn nhận, luật ban hành đã 7 năm nay, nhưng các cấp chính quyền địa phương không kiên quyết trong việc phê duyệt dự án. Hệ quả là hàng loạt dự án nhà ở được xây dựng, nhưng không hình thành được đô thị. Nhiều dự án có tỷ lệ đưa vào sử dụng rất thấp, để đất đai hoang hóa, lãng phí.
Điều đó cũng chứng tỏ người mua không có nhu cầu ở thực sự, mà phần nhiều là đầu cơ. Nếu không làm mạnh việc xóa bỏ phân lô, bán nền được xem là gốc rễ của đầu cơ, thì rủi ro và thiệt hại sẽ luôn rơi vào người tiêu dùng.
(Theo ĐTCK)
(Còn nữa)
- 0
- By Admin
- 11/06/2011
- 17