• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cải thiện những hạn chế của gỗ

Gỗ có ba đặc điểm: dẻo dai, giãn nở và sự liên kết vững vàng. Để dùng gỗ một cách tốt nhất phải hiểu rõ cội rễ và nắm rõ bản chất gỗ khi ứng dụng. Hiểu được điều này tất yếu phải nắm được tính chất gỗ từ nguyên dạng cây xanh.
 


Gỗ được dùng nhiều trong xây dựng.

Trong thớ cây, tom gỗ bao giờ cũng kết hợp nước với xơ thân. Chu trình tìm gỗ từ thân cây xanh không chỉ phơi nhằm thoát hơi nước mà sấy là công đoạn cần thiết nhất, để từng thớ gỗ ổn định, rồi liên kết nhau tạo nên thế giằng. Gỗ khi được biến đổi tính chất sinh học như vậy sẽ trở thành khô cứng, dẻo dai, và chịu mọi sự va đập uốn nắn trong việc tạo hình sau này.

Vật liệu gỗ luôn gắn kết với kiến trúc và nội thất ngay từ ban đầu. Điều dễ nhận thấy nhất về ưu điểm của gỗ là tính thẩm mỹ mà cụ thể là vẻ đẹp tự nhiên của nó. Một sản phẩm gỗ tự nhiên được cấu tạo bởi những sợi gỗ. Tom gỗ hình thành do giữa sợi gỗ có lỗ rỗng và chính tom gỗ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới yếu tố quan trọng nhất là độ ổn định của gỗ.

Dù biến thể nhưng gỗ lại mang những đặc tính mới, thể hiện thế mạnh và điểm yếu của chất liệu. Đôi khi nó mang ưu điểm ưa khí hậu nhiệt đới ẩm, có lợi thế bề mặt tự nhiên, có khả năng ứng dụng hoàn hảo trong các chức năng sử dụng. Và đặc biệt gỗ tự nhiên lại mang giá trị thẩm mỹ, hợp với văn hóa và quan niệm của người Việt Nam xưa nay. Nhưng không phải ưu điểm nào cũng cho hiệu quả sử dụng tốt. Dựa vào đặc tính của gỗ, người ta có thể lựa chọn dùng cho từng bối cảnh phù hợp.

Ở Việt Nam, điều kiện khí hậu nóng ẩm, hanh khô nên khả năng co giãn của gỗ thường xảy ra. Nó có thể bị nứt, mối mọt, cong vênh hoặc mục nát theo thời gian. Bởi vậy, việc bảo vệ và gìn giữ được những sản phẩm gỗ là công việc không đơn giản. Việc gia công không tốt sẽ làm phản tác dụng của gỗ. Khi gỗ bộc lộ những nhược điểm như nhạy cảm với thời tiết, biến dạng, cong vênh, co ngót hay nứt nẻ... thì cách khắc phục là gia công tốt, lựa chọn không gian sử dụng phù hợp với tính chất của gỗ.

Thực tế cho thấy, gỗ không kén màu sắc của không gian. Gỗ có thể kết hợp với mọi chất liệu từ thô sần, gai góc, đến bóng nhẵn. Đặc biệt, khi ứng dụng trong điều kiện đòi hỏi sự linh hoạt, gỗ sẵn sàng tồn tại trong những không gian có nhiều kiểu hình khối và phong cách khác nhau, cả hiện đại và truyền thống.

Do vật liệu gỗ sử dụng tương đối dễ trong nhà nên phải tính đến liều lượng. Có nhiều trường hợp lạm dụng quá nhiều về gỗ làm sàn, ốp trên tường, ốp kín cả trần dẫn tới bức bí về màu sắc hoặc dùng vân gỗ một cách bừa bãi gây cảm giác khó chịu.

Điều cần thiết khi sử dụng là biết cân nhắc tỷ lệ giữa gạch, sắt, đá hoa, hay thảm vải, để tương ứng với diện tích gỗ trong một không gian kiến trúc. Để bảo quản tốt gỗ, cần tránh môi trường thời tiết quá khắc nghiệt, không thể để gỗ thường xuyên ngập trong nước, loại bỏ những vỏ ngoài những cây gỗ chưa được lọc hết để tránh mối mọt.


Để tạo sự hài hòa trong một không gian kiến trúc, bạn phải
biết cân nhắc tỷ lệ khi phối hợp gỗ với các vật liệu khác.

Điều cần thiết khi quyết định sử dụng gỗ là phải xác định rõ mục đích. Mỗi loại gỗ có ưu, nhược điểm khác nhau, và nếu được sử dụng hợp lý sẽ giúp tăng tuổi thọ. Đối với những loại gỗ có thể chịu được nước, nên ưu tiên sử dụng trong môi trường nước. Ngược lại, những loại gỗ cứng nên dùng ở nơi cần va đập.

Thông thường, gỗ mềm có thể sử dụng làm đồ gia dụng. Nhưng gỗ cứng phải được sử dụng làm cầu thang, sàn nhà, nơi thường chịu lực. Gỗ muốn dùng hợp lý, không chỉ ứng biến tùy theo chất liệu đi kèm, màu sắc chủ đạo, hay tỷ lệ tương quan, mà nó phải được tôn trọng theo phong cách kiến trúc của chính ngôi nhà.

Để kết hợp với nhiều loại vật liệu khác, người ta phải nắm được tính ổn định và biến dạng của gỗ, vì bên cạnh yêu cầu về màu sắc, gỗ còn phải có tính chất lý, hóa phù hợp với kết cấu, biến dạng, chịu lực.
 

Theo NSMKG

  • 384
  • By Admin
  • 01/08/2008
  • 17