Cải tạo nâng tầng khi sàn nhà bị nứt
Yêu cầu:
Nhà xây năm 1998, hiện tượng nứt có từ năm 2000. Tôi đang rất băn khoăn mong nhận được tư vấn từ kiến trúc sư và thi công.
Trả lời:
Để cải tạo nâng tầng, cần xử lý móng thật tốt trước khi thực hiện để tránh lún nứt. Có ba phương án.
Phương án 1:
Ép cọc và đổ thêm đài cọc ở chân cột biên, làm tăng khả năng chịu lực của móng cột biên. Đập hết tường tầng 1 để có thể máy ép cọc vào móng nhà, sau đó dùng máy ép thuỷ lực để ép cọc. Cần đào lộ móng nhà và tạo mặt bằng cho ép cọc.
Khi ép cọc sẽ tác động đến móng và dầm móng cũ, có thể gây nứt móng và dầm móng sẽ gây nguy hiểm đến công trình, ảnh hưởng đến móng nhà xung quanh, thi công phức tạp, kinh phí lớn, liên kết phần cũ, phần mới không được tốt nhất, hiệu quả mang lại không được tối ưu.
Phương án 2:
Tăng diện tích truyền tải của móng xuống nền đất bằng cách đổ một khối bê tông toàn khối xuống đáy móng (toàn bộ móng). Khi đó, nên đào từng phần và thi công từng phần phần móng được đào sâu dưới móng cũ là 50 cm. Máy móc phục vụ thi công gồm kích thuỷ lực, hệ thống xà gồ, đà giáo thép tốt.
Sau khi đã đào lộ móng sẽ dùng kích và hệ xà gồ thép giữ ổn định cho móng và đan thép đổ bê tông khi bê tông đủ cường độ mới được phép bỏ kích và thi công tiếp phần móng còn lại.
Khi thi công, thao tác sẽ rất khó, tốn kém về thời gian chờ đợi bê tông đủ cường độ. Kinh phí cũng mất nhiều.
Phương án 3:
Đào đất dọc trục biên đến cốt đóng móng, sau đó đan thép đổ móng bằng một phía (móng băng chân vịt). Trước khi thi công, cần phải đập bỏ hết tường phía trên của ngôi nhà nhằm giảm tải trọng, tránh nguy hiểm trong thi công và cho công trình. Cần báo cho đơn vị tư vấn tính toán cẩn thận, nếu còn nguy hiểm phải đập bỏ cả sàn trước khi thi công.
Đây là phương án đơn giản hơn hai phương án trên, nhưng khi thi công phải chú ý chất lượng bê tông và biện pháp thi công vì móng cũ và bê tông mới rất khó ăn khớp với nhau. Bê tông đổ móng có thể chất lượng không tốt cũng sẽ gặp nguy hiểm cho ngôi nhà.
Nhà cũ đã xây dựng hơn 10 năm, phần móng cũ đã lún hết, móng mới lại chưa có quá trình lún nên khi có tải trọng mới là sàn, tường và đặc biệt khi thêm tầng cho nhà sẽ dẫn đến móng mới bị lún, gây nứt móng cũ và sẽ gây nguy hiểm cho nhà.
Muốn cho móng cũ ít bị ảnh hưởng, công trình phải được nằm trên nền đất rất tốt (không lún), không ảnh hưởng tới đất nhà khác. Nằm trên cọc bê tông ép dưới đất mà ép cọc sẽ gặp khó khăn như phương án 1 đã nêu. Để tránh xảy ra tình trạng nứt móng cũ thì phải ép cọc xa móng cũ sau đó đổ đài và giằng móng lên giằng móng cũ ở nhịp biên (vì giằng móng cũ không đủ khả năng chịu lực khi chồng thêm tầng).
Lời khuyên cuối cùng, nếu bạn không quá khó khăn về kinh phí và để đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như sử dụng lâu dài, chúng tôi khuyên bạn nên xây mới căn nhà.
Chúc bạn cùng gia đình sống an toàn và thoải mái trong ngôi nhà của mình.
Kết cấu sư Lê Hữu Giáp, KTS Vũ Quang Định
Công ty CP ADKientruc
- 431
- By Admin
- 26/11/2008
- 17