Cải tạo chung cư phải công khai, minh bạch
Dọn khỏi chung cư cũ. Ảnh: Đức Long. |
Giáo sư Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng): Không nên làm theo kiểu vụn vặt
Nếu phải chuyển đến một khu tái định cư, điều tôi quan tâm nhất chính là chất lượng của các ngôi nhà. Chất lượng theo nghĩa rộng, bao gồm cả sự bền vững về kết cấu và tiện ích với con người, phù hợp với quy hoạch, làm đẹp đô thị. Tiêu chuẩn một căn hộ hiện đại phải theo công thức 2+1, nghĩa là nhà có hai vợ chồng thì căn hộ phải có 3 phòng, như vậy công năng sống của căn nhà mới đảm bảo. Hiện đa phần căn hộ chung cư cũ của ta có diện tích dưới 30m2, quá nhỏ. Sự bí bách chính là một trong những điều khiến người ở không hài lòng. Ngôi nhà ngày nay cũng phải tính tới sự phát triển của khoa học công nghệ, của đời sống, để giúp người ở hài lòng lâu dài.
Malaysia cho dân thuê - mua một căn hộ trong 25 năm, đến ngày đầu tiên năm thứ 26 làm khế ước bán nhà với giá tượng trưng. Chính sách này Bộ Xây dựng Việt Nam đã đề xuất Chính phủ. Đối với người nghèo áp dụng chính sách cho thuê mua hay hơn là trả góp. Đây là giải pháp tốt để những gia đình của thế kỷ XXI không phải ở trong những căn hộ mới với diện tích như của thế kỷ trước.
Chỗ ở tốt là cần thiết, nhưng chất lượng sống tốt mới quan trọng. Để giải bài toán này, cần có một đề án mang tính chất tổng thể chứ không nên làm mang tính chất vụ việc, vụn vặt khiến người dân bức xúc. Việc cải tạo các chung cư cần có quy hoạch nằm trong quy hoạch chung của thành phố, hướng tới nguyện vọng người dân đang sinh sống tại đó.
Nghị quyết 34 của Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc cải tạo chung cư cũ trước năm 2015. Tôi chưa hình dung làm thế nào để 6 năm nữa đạt được mục tiêu này. Chỉ một ngôi nhà thôi, như nhà B3 Phương Liệt, bốn năm rồi vẫn chưa xong.
Về ý kiến nên đưa dân ra tái định cư ở nơi khác để tránh quá tải, tôi nghĩ tâm lý của người Việt sống đâu quen đấy, do đó nên tạo điều kiện cho dân tái định cư tại chỗ. Vùng ven nếu xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở xã hội thật tốt, chuyển những cơ quan Nhà nước ra đó…sẽ tạo ra không gian khác, môi trường thuận tiện hơn, thông thoáng hơn. Khi đã có đầy đủ những điều kiện thuận lợi mới hy vọng phá vỡ tâm lý sống lâu thành làng, thành quê hương.
Sự quá tải ở nội đô, quy hoạch tốt sẽ giải quyết được. Chất lượng của các khu đô thị bây giờ là chất lượng an toàn, không thể cứ quá tải là lại sửa chữa.
Tiến sĩ Trịnh Huy Thục, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà (nay là Cục quản lý nhà và kinh doanh bất động sản), Bộ Xây dựng: Cần đặt mình vào vị trí người dân
Đi đôi với việc chuẩn bị quy hoạch, chuẩn bị nhà tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư thì có một việc phải làm là công khai, minh bạch cơ chế bồi hoàn để tránh sự khập khiễng giữa khu này và khu khác, hộ đi trước và hộ đi sau. Tức là tính nhất quán của chính sách. Lâu nay tôi theo dõi các trường hợp cải tạo chung cư, sở dĩ sinh ra khiếu kiện là vì thiếu công khai. Khi đã công khai minh bạch rồi mà ai không thực thi thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài phần đền bù là những căn hộ đem bán. Nếu công khai diện tích và bán với đúng giá các căn hộ tái định cư thì tôi tin người dân sẽ ủng hộ. Nhưng hiện nay tôi thấy chưa có cái “bắt tay” giữa chủ đầu tư và người dân. Họ mới chỉ bắt tay trong khâu giải phóng mặt bằng.
UBND địa phương cần có quy hoạch để có điều chỉnh và bù trừ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng dễ người ta làm, khó người ta bỏ. Nhưng điều chỉnh không phải cục bộ ở từng ngôi nhà mà là công khai, minh bạch điểm này: ở chỗ lợi nhuận cao hơn, yêu cầu điều chỉnh cao hơn thì sẽ bù cho những khu do quy hoạch, lợi thế không xây lên cao được. Nhưng hiện nay các địa phương chưa làm việc này bởi họ chỉ nghĩ cải tạo khu nào làm mỗi khu ấy.
Việc tái định cư không đơn giản là chuyển từ nơi này tới nơi khác mà còn liên quan đến chuyện con cái học ở đâu và các điều kiện sinh hoạt khác. Vì thế quy hoạch đi trước một bước, kế hoạch phải cho biết trước, không thể di dời vào thời điểm học sinh đang đi học. Nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi tái tạo sức lao động, đào tạo nên nhân cách, phục vụ cuộc sống và làm việc. Việc ấy khó hơn nhiều so với xây dựng một nhà ở mới. Tôi nghĩ những người làm việc này ngoài sự am hiểu về nghiệp vụ cần phải có cái tâm, tức là đặt vị trí của mình vào người dân.
“Khi phá bỏ những công trình cũ, phải tính tới việc giải quyết đối với chất thải rắn. Từ năm 1997, tôi đã đề xuất phải có công nghiệp phá dỡ đối với những công trình phá đi. Như ở Canada, Mỹ chẳng hạn các công trình phá dỡ không phải bỏ đi bất cứ cái thứ gì, tất cả đều tái sản xuất phục vụ ngành xây dựng. Thép lại sản xuất ra thép, bê-tông được nghiền ra làm các tấm ngăn tường trong những ngôi nhà mới, vật liệu khác được làm thành tấm lát đường hoặc dải phân cách...” (Giáo sư Trần Chủng). |
Theo Đất Việt
- 0
- By Admin
- 09/03/2009
- 17