Cải tạo chung cư cũ: Chính sách đã có, sao khó thực thi?
Đồng tình với chủ trương cải tạo lại chung cư cũ nhưng nguyện vọng của người dân là được giải quyết mua nhà theo Nghị định 61/CP trước khi tiến hành phá dỡ nhằm đảm bảo tính pháp lý cho việc tái định cư sau này. Những băn khoăn của người dân chưa được giải quyết cho thấu tỏ thì dự án chưa thể "thông".
Ông Lê Nhơn, trú tại phòng 408, nhà I2 cho biết: "Chúng tôi nộp đơn mua nhà theo Nghị định 61/CP từ năm 2003, song chính quyền nói nhà sắp cải tạo lại, không cho mua. Người dân rất lo, bởi Chính phủ gia hạn việc bán nhà theo Nghị định 61/CP đến hết năm 2010. Nếu nhà phá đi xây lại phải tới 2011 mới xong. Vậy lúc đó ai sẽ giải quyết bán nhà cho các hộ ở đây theo Nghị định 61/CP. Lúc đó, giá cả thay đổi, sẽ áp giá bán nào, chúng tôi không đủ tiền mua thì biết giải quyết ra sao (?)". Điều khiến người dân thêm phần thắc mắc là có khoảng 20 hộ đã được giải quyết hồ sơ, được cấp Giấy chứng nhận. Nhà B6 Giảng Võ chất lượng còn tệ hơn ở đây nhưng vẫn cấp Giấy chứng nhận.
Người dân cho biết, từ khi dự án bắt đầu khởi động tới nay, đây là vướng mắc lớn nhất song không cơ quan nào đứng ra giải quyết. "Phường, quận không quan tâm, họp nhiều lần mà thắc mắc của chúng tôi vẫn chưa được giải thích thấu đáo. Nói là nghe ý kiến dân nhưng toàn bàn chuyện cải tạo thế nào, kiến trúc ra sao, xây mới bao nhiều tầng... Chúng tôi muốn được mua nhà, cấp GCN rồi sau đó mới nói tới chuyện phá dỡ, xây dựng mới"- ông Lê Nhơn nói.
Trước bức xúc của các hộ dân, Ban chỉ đạo GPMB TP đã có ý kiến, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân khi tái định cư về căn hộ mới, đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giao cho đơn vị quản lý nhà tính toán phương án bán nhà theo NĐ 61/CP cho từng hộ dân. Giá trị này chính là quyền lợi của các hộ dân khi chủ đầu tư thực hiện GPMB và bố trí tái định cư. Ông Hoàng Tú, Phó trưởng ban phụ trách Ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quy chế cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hỏng của UBND Thành phố cũng đã đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, việc cấp sổ trước khi cải tạo là không thể giải quyết được do pháp luật không cho phép. Theo ông Tú: "Để người dân yên tâm, chúng tôi cũng tính đến phương án ghi nhận hiện trạng trước khi cải tạo (bao gồm cả việc tính tiền bán nhà theo Nghị định 61/CP) và khi người dân tái định cư ở nhà mới sẽ tiến hành cấp sổ một lần theo giá đã được ghi nhận".
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp đã quy định rõ: "Người đang thuê chung cư thuộc sở hữu Nhà nước, tức là chưa mua theo Nghị định 61/CP, nếu có nhu cầu sở hữu căn hộ mới sẽ được giải quyết mua căn hộ đó theo mức giá do UBND TP cấp tỉnh quy định; nếu có nhu cầu thuê thì được thuê căn hộ mới theo giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành".
Theo quy chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố, đối với các hộ gia đình đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại chung cư cũ (chưa mua theo NĐ 61/CP) được tái định cư như trường hợp đã mua. Các hộ này được xét mua nhà theo NĐ 61/CP phần diện tích thuê nhà theo hợp đồng, hoặc tiếp tục được thuê nhà theo quy định hiện hành của UBND TP. Chủ đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các hộ dân làm thủ tục đăng ký, lập hồ sơ mua nhà theo NĐ 61/CP với Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Rõ ràng đã có đủ các quy định pháp lý để giải quyết các vấn đề mà người dân của ba khu nhà chung cư cũ I1, I2, I3 nêu ra. Vấn đề là ở chỗ các cơ quan có trách nhiệm như chính quyền địa phương, chủ đầu tư, Công ty Quản lý và phát triển nhà cần cử cán bộ có đủ thẩm quyền, giải đáp rõ ràng, thậm chí bằng văn bản. Đồng thời công khai các chủ trương, chính sách để người dân yên tâm, hợp tác triển khai dự án.
Theo KTĐT
- 0
- By Admin
- 18/09/2008
- 17