Cách xử lý có thể làm hợp thức hóa nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội
Giải pháp “tình thế” để xử lý vi phạm xây dựng
Hiện nay, quận Hai Bà Trưng vẫn còn 18 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng đã hơn chục năm, trước khi giải phóng mặc bằng các dự án như đường Trần Đại Nghĩa, Cầu Vĩnh Tuy...
Quận đã đưa ra phương án xử lý đối với 10 trường hợp có khả năng hợp khối, giao trách nhiệm cho chủ tịch các phường Vĩnh Tuy, Bách Khoa, Đồng Tâm triển khai việc kiểm tra, rà soát. Nhưng việc vận động cũng không dễ dàng vì các hộ đều sử dụng ổn định, lâu dài.
Còn lại 8 trường hợp không có khả năng hợp khối, năm 2012, quận Hai Bà Trưng đã lập dự án với các trường hợp này để thu hồi, xây dựng trạm chờ xe buýt hoặc mở rộng đường giao thông. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa triển khai bởi không bố trí được chi phí để tiến hành (tổng số tiền cần có là hơn 7,5 tỷ đồng).
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho hay, trong 18 trường hợp này, 2 trường hợp gia đình đã triển khai hợp khối kiến trúc với công trình liền kề; 3 trường hợp diện tích bé hơn 4m2 đã đề xuất thu hồi để làm bảng tin công cộng (đã được Sở Quy hoạch - Kiến Trúc thống nhất phương án); còn lại 13 trường hợp đề xuất để nguyên hiện trạng vì lý do đã chỉnh trang phù hợp. Cách này nhằm tháo gỡ bài toán chi phí quá lớn để có thể thu hồi diện tích quá nhỏ.
Quận Hai Bà Trưng hiện còn 18 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo |
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề với sự thay đổi phương án xử lý phần nhiều cho phép giữ nguyên hiện trạng này. Ông Nam nói, nếu không cẩn thận sẽ biến thành việc chấp nhận hợp thức hóa nhà siêu mỏng, siêu méo. Từ đó sẽ tạo ra tiền đề không tốt, rất khó để xử lý những trường hợp phát sinh từ những dự án sau này.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Hiếu lý giải, việc hợp khối, hợp thửa phải có sự đồng ý của cả hai gia đình. Tuy nhiên, vì quy định thời hạn phải giải quyết và nếu không triển khai được thì phải lập dự án thu hồi. Quận rất khó khăn trong xử lý vấn đề chi phí.
Ông Hiếu đã kiến nghị, giải pháp đơn giản nhất nên chăng là chấp nhận tạm thời không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất này nhưng cho được phép tạm chỉnh trang thành như một ki ốt chứ không được là công trình cao tầng. Đồng thời, tiếp tục vận động hợp khối, hợp thửa. Bên cạnh đó, quận và phường phải có trách nhiệm quản lý để không xảy ra vi phạm trật tự xây dựng.
Trong cuộc giám sát này, lãnh đạo quận cũng cho biết thêm, khi giải phóng mặt bằng cống hóa tuyến mương K5B, đường Thanh Nhàn cũng có 22 trường hợp không đáp ứng được điều kiện xây dựng công trình (bé hơn 15m2) nên có khả năng phát sinh siêu mỏng, siêu méo. Đối với trường hợp này, phương án xử lý quận nêu ra cũng là chỉnh trang, xử lý hạ độ cao công trình.
Buộc phải chấp nhận mốc giới dích dắc?
Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đã nêu ra những lo lắng về việc giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 1. Vụ thể, mặc dù chưa di chuyển hộ dân nhưng qua rà soát bản đồ thực trạng các thửa đất có thể thấy, 118 thửa đất bị thu hồi sẽ còn lại chưa tới 15m2. Quận đã chỉ đạo các phường tâp trung xử lý, quản lý nhưng nếu quản lý không chặt sẽ lại phát sinh vi phạm trật tự xây dựng. Trên địa bàn quận cũng sẽ có một tuyến đường sắp được xây dựng nên khó khẳng định là sẽ không phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo.
Vì thế, ông Nguyễn Văn Hiếu nhận định, khi duyệt dự án, thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư những tuyến đường trong quá trình giải phóng mặt bằng phải tiến hành tháo dỡ bộ phận, toàn bộ kiến trúc công trình nằm ngoài chỉ giới mở đường mà không đủ điều kiện mặt bằng để xây dựng. Sở Giao thông Vận tải và chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường đề xuất, báo cáo thành phố bổ sung nguồn vốn, kinh phí tiến hành thu hồi những diện tích này đồng bộ với giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến đường.
Ông Hiếu cho rằng: "Khi cắm mốc giới cần chấp nhận mốc giới zíc zắc (thay vì kẻ đường thẳng), khảo sát cụ thể, hộ nào diện tích dưới 15m2 hoặc độ mỏng dưới 3m thu hồi ngay, thế mới hết được chuyện siêu mỏng, siêu méo".
Bên cạnh nhà siêu mỏng, siêu méo, số công trình xây dựng vi phạm ở quận Hai Bà Trưng trong 4 tháng đầu năm 2015 cao hơn cả năm 2014 (79 trường hợp) đã khiến đoàn giám sát đặt vấn đề đối với trách nhiệm quản lý.
Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đề nghị quận cần phải xác định rõ trách nhiệm quản lý của mình, quyết liệt trong việc triển khai xử lý. Thực hiện những quy định nghiêm minh, sòng phẳng và công bằng, không để cho ai lợi dụng. Người dân vi phạm và cả cán bộ có trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm cũng xử lý nghiêm và xử lý ngay. Việc này là của cả hệ thống chính trị nên phải kêu gọi sự vào cuộc của cả người dân trong giám sát, phát hiện. Đồng thời, đề nghị các Sở phải phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn với quận nhằm xử lý dứt điểm những trường hợp tồn đọng.
- 131
- By Admin
- 14/05/2015
- 17