• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cách xác lập quyền sở hữu nhà là vấn đề sống còn cho Luật Nhà ở

Đại biểu Trần Du Lịch nhận định, quy định về xác lập quyền sở hữu nhà ở - điều 13 (Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở - PV) - là vấn đề sống còn của Luật Nhà ở.


TS. Trần Du Lịch

Khoản 1, điều 13 Luật Nhà ở ghi rõ: "Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau: Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở trong trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp thuê mua nhà ở". Quy định này cho thấy quan điểm: tiền trao rồi, nhà nhận rồi là xong, không còn liên quan gì nữa.

Ông Trần Du Lịch quyết liệt: "Bất động sản không phải là “cháo”, nó là tài sản cực kỳ đặc biệt. Việc chiếm hữu bất động sản từ xa xưa tới nay không được ghi nhận là sở hữu; mà quyền sở hữu chỉ được nhà nước xác lập về pháp lý khi anh đăng ký với nhà nước và nộp phí trước bạ cho Nhà nước.

Thời điểm pháp luật thừa nhận anh có quyền định đoạt nó và xác nhận bất động sản không có tranh chấp là thời điểm kê khai trước bạ, nộp thuế trước bạ. Ai phá bỏ nguyên tắc này thì hệ thống pháp luật sẽ bị rối loạn. Nếu giữ điều khoản này thì rõ ràng là chúng ta ủng hộ việc người dân không cần phải trước bạ. Nguyên tắc này chúng ta áp dụng từ lâu nay vậy tại sao phải thay đổi", đại biểu Trần Du lịch nhấn mạnh!

Bộ trưởng nhiều việc, không nên thêm chức "Chủ tịch Quỹ phát triển nhà ở xã hội!

Đại biểu Trần Du lịch cũng góp ý về vấn đề thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội (điều 73, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi):

"Tôi không tán đồng các phương án được đưa ra trong điều 73. Rất tiếc phương án 1 phải bỏ đi (giữ nguyên như Luật cũ) còn chuyện lập Quỹ Trung ương về phát triển nhà ở xã hội do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm chủ tịch thì tôi nghĩ Bộ trưởng không nên làm thêm việc này vì đã quá nhiều việc phải làm".

dự thảo luật nhà ở
Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chỗ để xe ô tô ở chung cư thuộc quyền
quản lý của chủ đầu tư (Ảnh minh họa)

Đồng ý kiến với ông Trần Du Lịch, ông Trần Xuân Vinh - Đoàn Quảng Nam và Đỗ Văn Vẻ - Đoàn Thái Bình, cho rằng: Cần thiết phải chế định quỹ nhà ở Trung ương nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc: trách nhiệm về hỗ trợ lập quỹ để lo nhà ở cho dân phải được chia sẻ cho chính quyền Trung ương. Nhưng trong tương lai, chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương còn chính quyền Trung ương chỉ hỗ trợ!

Quỹ hoạt động cần có tài chính, các đại biểu đề xuất: phải thiết kế lại, thể chế tài chính cho quỹ từ 3 nguồn. Nguồn thứ nhất là từ ngân sách, nguồn thứ 2 là sự đóng góp của các doanh nghiệp và người mua nhà góp tiền để làm nhà trong tương lai.

Bộ Xây dựng cũng được các đại biểu lưu ý, khi soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở phải tôn trọng các quy định của Bộ Luật Dân sự đối với các quyền về nhân thân, tài sản, trong đó có nhà đất.

Đại biểu Trần Du Lịch bàn thêm: "Vấn đề nhà ở là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nếu vấn đề này có gì bất cập mà Bộ Luật Dân sự chưa phù hợp thì ta nên sửa đổi Bộ Luật Dân sự thay vì cứ làm luật chuyên ngành tách riêng ra. Về Bộ Luật Dân sự, tôi thấy rất nguy hiểm là có tình trạng bắt Bộ Luật Dân sự tuân thủ các luật chuyên ngành. Mà luật chuyên ngành của ai – của các Bộ quản lý nhà nước đưa cái của mình vô. Và chúng ta phá một nguyên tắc là các quan hệ dân sự, nhân thân, tài sản  phải tuân thủ Bộ Luật Dân sự. Nếu không nay mai sửa Luật Dân sự lại làm ngược lại, luật chuyên ngành quy định thế này, Luật Dân sự phải theo. Tôi đề nghị liên quan đến vấn đề sở hữu, xác lập quyền sở hữu bất động sản để Bộ Luật Dân sự quy định, không nhất thiết cứ luật chuyên ngành nào ra lại tách ra làm riêng theo ngành mình".

  • 0
  • By Admin
  • 24/10/2014
  • 17