Cách xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng khi ly hôn?
Năm 2006, trong thời gian chị dâu tôi đi nước ngoài anh tôi ở nhà vay mượn chị, em xây nhà. Bây giờ chị dâu tôi đòi chia cả nhà và đất có đúng không? Còn phần tiền khi chị dâu tôi đi lao động ở nước ngoài có được tính vào tài sản chung để chia không? (Bùi Như Tuân; Email: buinhutuan@yahoo.com.vn)Trả lời
Tại Khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (LHNGD) quy định: “ Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”.Như vậy, khu đất mà anh trai bạn đang đứng tên đã được bố mẹ bạn tặng cho từ năm 1984 – trước khi kết hôn. Năm 2000 thì mới làm thủ tục sang tên cho anh trai bạn, mặc dù sổ được cấp trong thời kỳ hôn nhân những văn bản tặng cho là trước hôn nhân, do đó diện tích đất đó thuộc tài sản riêng của anh trai bạn. Chị dâu bạn không có quyền được yêu cầu chia tài sản chung.
Riêng về phần tài sản là nhà trên đất thì do anh trai bạn tiến hành xây dựng từ năm 2006, mặc dù anh trai bạn chứng minh được chị dâu bạn không có công sức đóng góp vào việc xây dựng nhà này thì đây vẫn được xác định là tài sản chung vợ chồng, theo quy định tại khoản 1 Điều 27 LHNGD: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung”.
Về nguyên tắc tài sản chung vợ chồng sẽ chia đôi, tuy nhiên vì công sức đóng góp vào việc xây nhà này chủ yếu là anh trai bạn, do vậy anh trai bạn có quyền yêu cầu Tòa án xem xét để anh trai bạn được hưởng phần tài sản nhiều hơn chị dâu bạn - theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 95 LHNGD: “Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”.
Như vậy, nếu anh trai bạn chứng minh được chị dâu bạn không có công sức đóng về việc xây dựng nhà này thì Tòa án sẽ xem xét để chia cho anh trai bạn được hưởng phần tài sản lớn hơn chị dâu bạn, đồng thời nếu anh trai bạn chứng minh được khoản nợ khi xây nhà và được Tòa án chấp nhận thì vợ chồng anh trai bạn có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm chi trả, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thì tài sản còn lại sẽ chia theo nguyên tắc chung.
Liên quan tới số tiền mà chị dâu bạn có được trong thời gian đi lao động ở nước ngoài đây được coi là tài sản chung vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 LHNGD. Nếu chị dâu bạn không muốn chia tài sản này hay có trình bày đã tiêu hết số tiền này, thì chị dâu bạn phải có nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án biết chị ấy đã chi tiêu cho sinh hoạt của gia đình: ăn, mặc, ở, học hành… Nếu chị dâu bạn không chứng minh được hoặc không được Tòa án chấp nhận thì số tiền đó sẽ chia theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm Tòa án giải quyết vụ án ly hôn, nếu chị dâu bạn đã tiêu hết số tiền nêu trên thì anh trai bạn có quyền yêu cầu Tòa án cấn trừ số tiền đó vào phần mà chị dâu bạn được hưởng trong khối tài sản chung là nhà trên đất (theo quy định tại Khoản 2 Điều 224 Bộ luật dân sự năm 2005: “ Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Sau khi cấn trừ nếu còn tài sản thì sẽ chia theo quy định của pháp luật, còn nếu không đủ thì anh trai bạn có quyền yêu cầu chị dâu bạn có nghĩa vụ thanh toán khi có điều kiện.
Luật sư Vũ Thị Hiên
(Theo Dantri)
- 221
- By Admin
- 29/12/2011
- 17