• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cách nào tháo gỡ dòng vốn cho thị trường BĐS?

Tại hội thảo "Toàn cảnh thị trường tài chính và bất động sản năm 2011" diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/4, GS. Đặng Hùng Võ nhận định, thị trường bất động sản nước ta đang rơi vào tình trạng thiếu vốn và diễn biến của thị trường luôn phụ thuộc vào các giải pháp vốn.

Một giải pháp là vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nguồn tín dụng trong nước được hình thành chủ yếu dưới dạng vốn vay chính thức theo thế chấp bất động sản. Tuy nhiên, phương thức này hiện bị hạn chế để kiềm chế lạm phát.

Giải pháp khác là huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người tiêu dùng theo phương thức mua bán bất động sản hình thành trong tương lai (mua bán nhà trên giấy).

Đây là giải pháp quan trọng nhưng luôn tiềm ẩn rủi ro về chất lượng, tiến độ, giá trị và thủ tục cấp giấy chứng nhận. Nghị định 71đã đưa ra một số quy định nhằm khắc phục nhưng vẫn chưa bảo đảm thực sự không còn rủi ro.

Cách nào tháo gỡ dòng vốn cho thị trường BĐS? | ảnh 1
Thị trường bất động sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu vốn (Ảnh: Quý Đoàn)

Theo GS. Đặng Hùng Võ, cần tạo một cơ chế bảo đảm giao dịch bằng các dịch vụ tài chính và bảo đảm chất lượng, tiến độ với sự tham gia giám sát của cộng đồng những người góp vốn.

Mặt khác, cần có quy định cụ thể về điều kiện được thực hiện cơ chế này đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để vừa tạo được công bằng trong môi trường kinh doanh bất động sản mà vừa sử dụng được nhiều nhất vốn đầu tư từ nguồn FDI.

Từ năm 2007, đăng ký vốn FDI đầu tư vào bất động sản nhà ở đã tăng lên mạnh, chiếm tới 40% tổng vốn FDI. Song, khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra làm vốn FDI đầu tư vào bất động sản nhà ở gần như không được triển khai.

Thời gian gần đây, nhiều nhà hoạch định chính sách có đề cập tới việc thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển thị trường như quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở. GS Hùng Võ nhận xét, thực tế các loại quỹ này chỉ có tác dụng trợ giúp cho những người thuộc nhóm yếu trong xã hội, không thể là cứu cánh về vốn đầu tư vào thị trường.

Vậy liệu có thể có gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ để kích thích kinh tế, trong đó có kinh tế bất động sản? Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới đã tạm yên, không quốc gia nào đưa ra gói kích cầu vào lúc này.

Chính phủ khó có thể đưa ra những quyết sách đổi mới mạnh tay vào thời điểm 5 tháng cuối của nhiệm kỳ hiện tại.

Nên xây dựng cơ chế cho phép người nước ngoài tham gia thị trường bất động sản trong nước

Giải pháp vốn quan trọng nhất hiện nay phải là luồng vốn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài. Pháp luật nước ta hiện nay chưa cho phép thực hiện cơ chế thế chấp này vì chưa thể công nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam.

Việc đổi mới pháp luật không chỉ cần thiết nhằm tạo vốn mạnh hơn cho thị trường bất động sản mà còn đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường chứng khoán hay cơ chế mua bán/sáp nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài tham gia.

Bản chất của vấn đề là xây dựng được cơ chế quyền và nghĩa vụ. Nếu chặt quá, người nước ngoài sẽ không muốn tham gia; nếu lỏng quá, có thể dẫn tới hệ quả tư bản lớn nước ngoài tham gia đầu cơ đất tại Việt Nam.

Xây dựng khung pháp luật này là phức tạp nhưng dù sớm hay muộn vẫn phải làm. Tốt nhất là việc đổi mới pháp luật theo huớng này cần thực hiện ngay trong năm 2011 để giải quyết sớm bài toán vốn cho thị trường bất động sản trong nước.

GS Hùng Võ cũng nhận định, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra tương tự như kịch bản năm 2010. Sẽ có những cơn "sốt" mang tính chất nhất thời và cục bộ, không phải bắt nguồn từ quan hệ cung cầu, mà hoàn toàn từ các nguyên nhân khác mang tính hình thức như thông tin về quy hoạch, kỹ thuật đẩy giá của các nhà đầu tư...

(Theo DVT)

  • 0
  • By Admin
  • 11/04/2011
  • 17