Cách làm quy hoạch hiện nay theo kiểu "dọn cỗ"
Đây là ý kiến của TS-KTS Phó Đức Tùng trong buổi tọa đàm về quy hoạch đô thị tại Tp.HCM ngày 27/11. Một số chuyên gia như KTS Nguyễn Hữu Thái, KTS Nguyễn Trường Lưu… đã tham dự buổi tọa đàm.Theo TS-KTS Phó Đức Tùng, cách lập quy hoạch ở ta hiện vẫn mang tính duy ý chí của cơ quan quản lý, trong khi mảng phân tích hiện trạng gần như không có. “Giới kiến trúc sư và đơn vị tư vấn đang thực hiện công việc chuyển tải cho được ý chí của người quản lý thành các đồ án quy hoạch, không kể nó có sát với thực tế hay không. Trong khi lẽ ra giới này phải là khâu trung gian, kết nối, thương thuyết với toàn bộ các đối tượng liên quan đến đồ án quy hoạch này” - ông Tùng nhận xét. Kiểu làm quy hoạch “từ trên xuống” như hiện nay tất yếu dẫn tới thiếu tính thực tế, tạo ra những đô thị cứng nhắc, thiếu bản sắc.
Ông Tùng lấy rất nhiều dẫn chứng từ các quy hoạch ở Vinh, Hà Nội… để minh họa cho vấn đề này. “Ví dụ quy hoạch Hà Nội, định ra phân kỳ phát triển là giai đoạn đầu về phía tây, sau đó chuyển sang phía bắc và sau nữa trở lại phía tây. Việc phát triển chỉ chủ yếu dựa vào cơ sở: Ở đâu còn đất trống thì dồn về nơi ấy. Để đảm bảo yếu tố văn hóa, trong đồ án định ra bốn, năm trục nam, trục bắc, trục đoài… gọi là “trục văn hóa” cho Hà Nội, không có ý nghĩa gì cả” - ông Tùng phân tích.
Một bạn trẻ thắc mắc: Những tư liệu, phương pháp và kiến thức mới mẻ mà TS-KTS Tùng trình bày đã được cập nhật cho giới quản lý và giáo trình sinh viên ngành quy hoạch hay chưa. Ông Tùng cho biết vừa qua, Bộ Xây dựng đã đặt hàng ông thực hiện một sổ tay để giới thiệu những kiến thức mới nhất về thiết kế đô thị và lập quy hoạch. “Điều đó chứng tỏ đã có sự quan tâm nhất định từ phía nhà nước. Nhưng từ nhận thức đến hành động là bao giờ thì tôi không thể trả lời” - ông bộc bạch.
Phải quy hoạch từ dưới lên Qua nghiên cứu và thực tế, ông Tùng cho biết hiện cách làm quy hoạch trên thế giới đang có sự khác biệt với ta. Cụ thể, họ làm quy hoạch theo kiểu từ dưới lên, lấy yếu tố hiện thực làm cơ sở quan trọng. Chẳng hạn quy hoạch một con đường cao tốc không phải đơn giản chỉ tìm cách nối điểm này tới điểm kia. “KTS nổi tiếng Mc Harg lập các bản đồ thể hiện sự cản trở vật lý (ví dụ xói mòn đất, nước ngầm...) và cản trở văn hóa (rừng, đời sống hoang dã, khu vực hành chính…). Sau đó, ông chồng hai bản đồ này lên nhau để lộ ra những khoảng trắng không bị cản trở hoặc ít cản trở bởi các yếu tố này. Đó chính là nơi sẽ có con đường cao tốc đi qua” - KTS Tùng kể. |
(Theo PLTPHCM)
- 0
- By Admin
- 29/11/2010
- 17