Các "ông lớn" địa ốc đua chiếm thị phần BĐS giải trí
Đại diện một tập đoàn kinh doanh BĐS có văn phòng tại quận Ngũ Hành Sơn vừa tiết lộ đang rục rịch triển khai dự án tổ hợp du lịch giải trí đa dạng tại Đà Nẵng. Được biết, đây là nhà đầu tư mới chen chân vào ngành BĐS giải trí còn khá non trẻ tại Việt Nam.
Tham vọng của doanh nghiệp này xây dựng và vận hành một tổ hợp du lịch, giải trí, lưu trú số một miền Trung và trở thành khu trung tâm vui chơi mới của thành phố biển Đà Nẵng. Dự án hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự kiện lễ hội hàng năm, dịch vụ vui chơi giải trí kết hợp với du lịch, ẩm thực, mua sắm giá rẻ... để tạo lực hút khách du lịch.
Vị này chia sẻ, chúng tôi sẽ hình thành tuyến phố đi bộ, nơi sẽ là tâm điểm vui chơi 24/7 của miền Trung cùng với các sự kiện lễ hội. Hy vọng dự án sẽ góp phần thay đổi thói quen du lịch nghỉ dưỡng thuần túy của người Việt sang du lịch giải trí đa dạng.
Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng từng xuất hiện nhà đầu tư sừng sỏ trong lĩnh vực BĐS giải trí là Sun Group với dự án cáp treo Bà Nà, vòng quay ngắm cảnh toàn thành phố. Năm 2015-2016, Sun Group Nam tiến ra Phú Quốc và tiếp tục chọn thế mạnh của mình là cáp treo đưa vào dự án du lịch nghỉ dưỡng kết hợp giải trí. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của Công ty CP cáp treo Bà Nà, doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ. Trung bình mỗi ngày công ty đón 5.000 lượt khách đến Bà Nà Hill, thậm chí vào mùa cao điểm đón 18.000-20.000 khách. Trong năm 2015, đơn vị đã đón tổng cộng 1,5 triệu khách.
Từng là doanh nghiệp tiên phong trong ngành công nghiệp mới mẻ này, nhiều năm qua, VinGroup đã định hình phong cách cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi giải trí tại Phú Quốc, Nha Trang với khu vui chơi trên cạn và dưới nước khá đa dạng. Trong quý I/2016, sản phẩm BĐS giải trí mới nhất của doanh nghiệp này là công viên chăm sóc và bảo tồn động vật, vườn thú bán hoang dã lộ thiên duy nhất và đầu tiên ở Việt Nam.
Phối cảnh một hạng mục của khu giải trí phức hợp Happy Land
đang được triển khai tại Long An
Chọn hướng đi tương tự 2 đại gia VinGroup và Sun Group, ở phía Bắc, mới đây Công ty CP Him Lam chính thức khởi công dự án lấp biển gần 50ha, hệ thống cáp treo nối liền Đồ Sơn với đảo Hòn Dấu (Hải Phòng) có vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư này cho biết, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2016-2021. Diện tích của toàn bộ dự án bao phủ 4 khu vực là đảo Hòn Dấu, Vụng Xéc, khu vực xây dựng tuyến cáp treo nối bán đảo Đồ Sơn với đảo và khu vực mở rộng nhờ san lấp biển 49,7ha. Him Lam sẽ quy hoạch xây dựng khu vui chơi giải trí, khu công viên nước và khu căn hộ - khách sạn.
Trong đó, diện tích xây dựng lớn nhất là khu vui chơi gần 15ha. Khu này có bãi tắm và mặt nước biển được bố trí thành 2 vịnh: Một tiếp giáp với khu vui chơi giải trí, một tiếp giáp khu căn hộ - khách sạn. Dự án còn có vùng mặt nước xung quanh với chức năng làm cảnh quan.
Một siêu dự án BĐS du lịch giải trí tại phía Nam với vốn đầu tư hàng tỷ USD tại Long An là Happy Land do Tập đoàn Khang Thông triển khai sau một thời gian đình trệ cũng bắt đầu trình làng sản phẩm đầu tiên trong năm nay. Tháng 2 vừa qua, Khang Thông đã ra mắt Trường đua Happy Land theo tiêu chuẩn quốc tế. Các cụm giải trí khác của dự án vẫn đang được doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc thông qua hình thức kêu gọi đầu tư.
Theo đánh giá của chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa, BĐS giải trí là một mô hình kinh doanh khá mới mẻ, đòi hỏi dòng vốn lớn và thách thức tính sáng tạo cũng như phải có công nghệ cao. Nhưng đây cũng là kênh đầu tư đầy tiềm năng và là con gà đẻ trứng vàng nếu khai thác đúng mạch ngầm.
Ông Nghĩa dự báo, BĐS nghỉ dưỡng có kèm khu vui chơi giải trí khép kín sẽ là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm Bính Thân này. Hiện một số đại gia đang quyết tâm chinh phục ngành BĐS giải trí với nhiều tham vọng vì đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của thị trường. Miếng bánh béo bở này vẫn còn bỏ ngỏ những thị trường ngách như: Casino không giới hạn người Việt, các thể loại trường đua, những sự kiện lễ hội và loại hình giải trí đậm chất văn hóa như các trò chơi dân gian truyền thống...
Lâu đài phép thuật rộng 4.000 m2, các thiết bị nhập từ
Mỹ được đầu tư 35 tỷ đồng. Ảnh: Suoitien.com
Chuyên gia này nhận định, thực tế, BĐS giải trí đã hình thành trong lòng các đô thị lớn hoặc nằm ở rìa thành phố. Đơn cử như ở Tp.HCM có sự phục vụ của các dự án giải trí như: Suối Tiên, Đầm Sen, xa hơn một chút là Đại Nam, trước đó còn có những công viên nước, trường đua...
Trong khi đó, các tỉnh dọc theo miền Trung và miền Nam phát triển mạnh du lịch cũng đã manh nha xu hướng đầu tư vào các dự án giải trí như: Vinpearl Land, Bà Nà Hill, vườn thú Safari. ở phía Bắc có casino dành cho khách quốc tế. Bên cạnh đó, các địa phương cũng không ngại tự bỏ ra kinh phí tổ chức những sự kiện giải trí như: pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội hoa Đà Lạt, hoa đăng Hội An,... để kích cầu du lịch và tiêu dùng.
Nhưng theo ông Nghĩa, xét trên tổng thể thì thị trường BĐS giải trí vẫn còn lỗ hổng khá lớn, ngoại trừ những đại gia trường vốn có thể vận hành tốt ngay từ đầu và không ngừng nâng cấp sản phẩm, thì các dự án còn lại khá đơn điệu và bị thách thức tính bền vững. Nhược điểm của các dự án BĐS giải trí tại Việt Nam là còn quá ít nhà đầu tư tham gia, chỉ đánh vào phân khúc người giàu hoặc khách quốc tế và chưa đa dạng các loại hình giải trí.
Chuyên gia này cho rằng, để BĐS giải trí có thể phát triển mạnh và vươn xa xứng tầm khu vực, thì cần có sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố đó là giải trí, du lịch và văn hóa. Ngoài ra, cũng cần có sự cộng hưởng giữa 2 bộ phận là Nhà nước và tư nhân. Kông nên để doanh nghiệp đơn độc phát triển các dự án BĐS giải trí mà cần có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách cũng như định hướng chiến lược.
Ông Nghĩa nhìn nhận, Nhà nước cần tạo thêm các sân chơi đậm tính văn hóa đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia thị trường này.
- 0
- By Admin
- 10/05/2016
- 17