Các "ông lớn" Việt sẽ mạnh tay hơn trong những thương vụ M&A BĐS?
Trao đổi với PV, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam đánh giá, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực BĐS sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
- Những năm trước đây, M&A BĐS thường chứng kiến những thương vụ lớn đều lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng giai đoạn từ cuối 2014 và 2015, đặc biệt là trong năm 2015, xu hướng về M&A trong BĐS, hấu hết các thương vụ lớn trong năm qua có sự tham gia sâu của nhà đầu tư Việt Nam. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Có thể nói, năm 2015 các nhà đầu tư và phát triển BĐS Việt Nam đã bước lên một đẳng cấp mới, một nấc thang khác so với trước đây. Nhiều năm trước đây, những nhà phát triển BĐS Việt Nam thường chỉ tham gia vào M&A với cấp độ dự án và nhận chuyển nhượng lại một vài dự án của các công ty khó khăn ở một số lĩnh vực khác nhau. Có thể là sản phẩm tài sản đã đưa vào vận hành như cao ốc văn phòng hay trung tâm thương mại… hoặc một số dự án chuẩn bị phát triển và đang phát triển.
Nhưng trong năm 2015 vừa qua, rõ ràng chúng ta thấy rằng, ở nhiều thương vụ M&A, các nhà phát triển BĐS Việt Nam không chỉ tham gia ở cấp độ dự án nữa mà đã tham gia vào cả cấp độ công ty.
Bằng chứng là gần đây, một số công ty Việt Nam niêm yết cũng đã mua từ 20 – 40% một công ty BĐS trên sàn chứng khoán.
Tôi cho rằng, đây là một thương vụ tiêu biểu cho sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược M&A của các nhà đầu tư và nhà phát triển BĐS Việt Nam từ việc tham gia ở cấp độ dự án sang cấp độ công ty.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam |
- Tuy nhiên, các thương vụ M&A BĐS đình đám nhất trong năm qua thì vẫn về tay các nhà đầu tư ngoại. Xét cả một giai đoạn trong 5 năm qua thì chuyện này là điều bình thường, song các thương vụ lớn thường xảy ra ở các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Nhưng trong năm 2015 chứng kiến khá nhiều thương vụ BĐS có quy mô giao dịch lớn nhiều trăm triệu USD. Theo ông, tín hiệu này có gợi ý thêm điều gì trong năm 2016 không?
Đối với thương vụ Keangnam, việc một nhà đầu tư Hàn Quốc nhận chuyển nhượng lại dự án Keangnam Landmark này tôi nghĩ đây là một cách họ tự bỏ tay trái sang tay phải, họ đều là nhà đầu tư nước ngoài cả và họ tự chuyển cho nhau.
Trong trường hợp có một nguồn tiền mới từ nước ngoài nhảy vào để mua hay chuyển nhượng một dự án BĐS tại Việt Nam thì theo tôi mới được xem là một tiêu biểu. Còn ở đây dự án Keangnam Hà Nội vốn là của một nhà đầu tư Hàn Quốc và bây giờ họ lại chuyển nhượng lại cho một nhà đầu tư Hàn Quốc mà thôi.
Về mặt dòng tiền vào thị trường Việt Nam, theo tôi có hơi khác biệt, nếu như một nhà đầu tư nước ngoài đem một một nguồn tiền mới vào mua lại một dự án BĐS của Việt Nam thì nó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Còn ở đây, xét về góc độ nhà đầu tư nước ngoài thì có thể nói thương vụ này cho thấy những tín hiệu tích cực hơn trong việc các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Hàn Quốc tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam. Bởi đối với tôi, khi các nhà đầu tư nước ngoài mang một lượng tiền vào Việt Nam để mua và phát triển các dự án thì đó mới là giao dịch mang tính thúc đẩy. Còn trường hợp này chỉ là mang tính về mặt ý nghĩa nhiều hơn, tức là thị trường BĐS Việt Nam cũng đang có sức hút nhất định.
- Từ những dấu hiệu của thị trường BĐS 2015, ông có bình luận gì về thị trường BĐS 2016 tới, thị trường BĐS 2016 liệu có thể bùng nổ?
Với đà tăng trưởng từ 2014 và 2015, đến thời điểm đầu 2016, nhiều người kỳ vọng 2016 sẽ có những bước phát triển tích cực hơn vì những lý do: Một là, ở mặt nội lực các nhà phát triển BĐS trong nước đã trải qua những khó khăn nhất định và đang trên đà phát triển mạnh trở lại. Hai là, niềm tin của thị trường BĐS đã thực sự quay trở lại thông qua việc các giao dịch dân sự về mặt nhà ở như khách sạn, trung tâm thương mại tăng đáng kể. Ba là, hệ thống bơm cung tiền vào nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng có tín hiệu khá tích cực thông qua chỉ số tăng trưởng tín dụng của năm 2015.
Xét về mặt vĩ mô, hiện nay cũng đang có nhiều yếu tố sẽ có tác động nhất định tới thị trường BĐS. Một là, loạt chính sách mới, đặc biệt là Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có hiệu lực từ 7/2015 là một điểm sáng đáng kể, nhất là việc nới sở hữu và mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài cùng với một loạt chính sách khác đã tạo cho niềm tin của thế giới bên ngoài với Việt Nam tăng lên nhiều hơn trước.
Hai là, nỗ lực của Chính phủ trong việc tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng GDP trong năm 2015, 2016 được đặt lên hàng đầu để giải quyết các hạn chế của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế trong nước nói riêng.
Ba là, chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc gần đây có những chuyển biến tương đối không tích cực, đây cũng là một điểm sẽ có tác động nhất định tới thị trường BĐS Việt Nam
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
- 0
- By Admin
- 18/02/2016
- 17