Các khu TĐC tại Hà Nội: Hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu
Tư thực tế đó đã dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân tái định cư thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, gây nên nhiều vấn đề bức xúc.
Sân chơi khu đô thị Nam Trung Yên đã biến thành chợ cóc. |
Những khu dân cư "3 không"
Nói về hạ tầng của các khu tái định cư khi tiếp xúc với phóng viên, vấn đề được người dân đề cập nhiều nhất là "3 không": "Không chợ, không trường, không trạm y tế".
Trong số các khu tái định cư trên địa bàn thành phố, có lẽ khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) được coi là lớn nhất. Được hình thành đã gần 10 năm, với hơn 6.000 nhân khẩu sinh sống trong 19 tòa nhà, nhiều người ví von số dân này có thể đủ thành lập được một phường, vậy nhưng các hộ dân sinh sống ở đây đang phải chịu cảnh: Không chợ, không trạm y tế, không hệ thống trường học công lập. Trong khi đó, đa phần các hộ dân tái định cư đời sống khó khăn, thiếu công ăn việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở nhà N4 cho biết: Theo quy hoạch, khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính sẽ có 1 trường mẫu giáo và 1 trường tiểu học nhưng không hiểu sao sau đó lại biến thành 2 ngôi trường tư thục chất lượng cao do tư nhân quản lý. Những trường này thu học phí lên tới 4-5 triệu đồng/tháng nên chỉ phục vụ cho con em gia đình có điều kiện, còn đa phần người dân phải đưa con đi gửi, học trái tuyến ở nơi khác. Bên cạnh đó, với số dân đông như vậy, nhu cầu thực phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân rất lớn, song tại khu đô thị này, chợ hay trung tâm thương mại đến nay vẫn chưa hình thành.
Trả lời câu hỏi vì sao những bấp cập trên vẫn chưa được khắc phục, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết: "UBND phường đã có công văn gửi UBND quận Thanh Xuân đề xuất xây dựng trường mầm non công lập tại khu tái định cư. Ngoài ra, UBND phường kiến nghị, cho phép mở chợ tạm, phòng y tế để phục vụ người dân... Song, hiện vẫn đang trông chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt...".
Cách khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính không xa, hạ tầng khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cũng không mấy sáng sủa. Mặc dù khu tái định cư này đưa vào sử dụng đã nhiều năm với hơn 10 tòa nhà và hàng nghìn nhân khẩu sinh sống, vậy nhưng ở đây cũng chỉ có một chợ tạm hoạt động. Nhìn vào khu chợ, không ai nghĩ ở giữa các tòa nhà cao tầng tại Thủ đô lại có khu chợ nhếch nhác, không khác gì chợ quê. Hàng quán ở đây đều do người dân tự căng bạt, che ô trên một khu đất trống.
Các hộ dân ở khu tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai) cũng cùng chung cảnh ngộ như trên. Khu tái định cư này đi vào hoạt động đã nhiều năm nay, tuy nhiên các hộ dân ở đây vẫn phải dùng "nhờ" trạm y tế, chợ, trường học của phường Thịnh Liệt. Chỉ tính riêng trường mầm non, do phải gánh thêm số con em của khu tái định cư này nên Trường Mầm non Thịnh Liệt trở nên "quá tải".
Ông Bùi Văn Lực ở nhà N2 buồn rầu nói: "Năm ngoái, gia đình tôi xếp hàng để nộp hồ sơ xin học cho cháu vào Trường Mầm non Thịnh Liệt không được. Chúng tôi phải cạy cục khắp nơi mới xin được cho cháu vào trường mầm non công lập ở địa bàn phường khác nhưng gần nhà để tiện đưa đón cháu đi học. Khu tái định cư cũng chưa có chợ hay siêu thị nên chúng tôi phải đi khá xa vào chợ ở giữa làng để mua rau, mua thịt… Khi thu hồi đất, nhà cửa của chúng tôi để thực hiện các dự án, các cơ quan chức năng đều hứa nơi tái định cư sẽ có chất lượng sống tốt hơn. Song, có sống ở các khu tái định cư mới thấu cảnh những lời hứa đó chỉ là hứa suông".
Vừa thiếu, vừa không đồng bộ
Trong khi các tòa nhà dịch vụ được chú trọng chất lượng, hạ tầng, dịch vụ đi kèm như các khu mua sắm, vui chơi, giải trí… để phục vụ cư dân thì tại các khu tái định cư, các loại hình dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa của người dân hầu như không có. Như một số người nhận định, các khu tái định cư chỉ quan tâm đến chỗ cho dân ở mà không để ý sau đó người ta sẽ sống ra sao.
Trong số các tòa nhà ở khu tái định cư, còn nhiều tòa nhà dân chuyển về đã lâu nhưng vẫn chưa có nơi hội họp của tổ dân phố. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Tổ trưởng tổ dân phố tòa nhà A6C nói: Nhà A6C có hơn 100 hộ dân ở Ô Chợ Dừa chuyển về đây đã hơn hai năm, nhưng phải kêu đến rát cổ, vừa rồi mới được bố trí căn phòng rộng hơn 50m2 làm nơi hội họp sinh hoạt cho bà con. Ban đầu, quản lý nhà chỉ cho 25m2, chúng tôi bảo hơn 100 người mà đến họp thì nhét sao hết nên đấu tranh mãi mới được như vậy. Dù sao chật chội nhưng vẫn còn may mắn vì trong số 4 tòa nhà của dãy A6, đến nay tòa nhà A6B vẫn còn chưa có nơi hội họp.
Không có đông dân cư như ở khu tái định cư Nam Trung Yên, nhưng tại nhà NO6, khu tái định cư Pháp Vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì), các hộ tái định cư ở đây từ năm 2008, song đến nay căn phòng vốn thiết kế để làm nơi hội họp thì đơn vị quản lý tòa nhà đã cho tư nhân thuê. Các hộ dân ở đây gần như vô tổ chức vì không có tổ dân phố. Mọi người đành cử một số người có uy tín đứng ra giao dịch, liên hệ khi có công việc cần thiết.
Tại nhiều khu tái định cư, không gian sống còn bị bóp nghẹt. Sân chung, đường nội bộ bị nhiều cá nhân tổ chức chiếm dụng tràn lan khiến người dân không có chỗ vui chơi, tập thể dục… Tại khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, nhiều tuyến đường nội bộ bị "cắt xén" thành các bãi trông giữ ô tô. Tại khu Nam Trung Yên, nhiều khoảng sân trở thành nơi bán hàng ăn, hàng rong tụ tập.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá: Các khu nhà tái định cư chưa được quy hoạch chi tiết, đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa gắn liền với hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, chợ, khu vui chơi, giải trí... Việc phân bổ các địa điểm tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư hợp lý... Như vậy, có thể nói, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện là thực trạng chung ở các khu tái định cư. Hiện tại, quyền lợi của người dân khu nhà ở tái định cư hầu như bị bỏ quên.
- 0
- By Admin
- 04/07/2014
- 17