• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Các dự án thép tỉ đô rục rịch khởi động

Mới đây, tập đoàn thép JFE (Nhật) cùng E-United đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để xúc tiến dự án thép 4,5 tỉ đô la Mỹ tại Dung Quất; trong khi đó, tập đoàn Formosa (Đài Loan) cũng đã khởi công xây dựng nhà máy thép hàng tỉ đô la Mỹ tại Hà Tĩnh.

Sau 8 tháng công bố sẽ hợp tác với tập đoàn E-United (Đài Loan) để cùng nghiên cứu, triển khai dự án thép Guang Lian tại Dung Quất, vào cuối tháng 11 qua lãnh đạo JFE đã cùng với E-United có buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để báo cáo về tính khả thi của dự án, theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất.


Sản xuất thép thành phẩm của một doanh nghiệp trong nước - Ảnh minh họa: Quốc Hùng


Theo thông tin từ nhà đầu tư, Nhà máy thép Guang Lian có vốn đăng ký 4,5 tỉ đô la, sử dụng công nghệ lò cao, công suất giai đoạn 1 là 3,5 triệu tấn/năm và sẽ tuyển dụng 3.500 lao động; giai đoạn 2 sẽ tăng lên 7 triệu tấn/năm và tuyển dụng 7.000 lao động. Sản phẩm chính của nhà máy là thép mỏng, thép sử dụng cho xây dựng, ô tô, ống thép và ống tuýp. Nguyên liệu chính của nhà máy là quặng sắt, chủ yếu nhập từ Úc.

Nhà đầu tư cũng báo cáo sơ bộ về cơ sở hạ tầng liên quan đến cảng, điện, nước…; trang thiết bị nhà máy; công tác bảo vệ môi trường và đánh giá tính hiệu quả đối với dự án trong tương lai.

Với sự tham gia của JFE, hy vọng dự án này sẽ sớm được triển khai sau hơn 6 năm từ ngày cấp giấy phép. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cho biết dự kiến đến tháng 6-2014, dự án mới được khởi công xây dựng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi hy vọng Tập đoàn JFE với năng lực, kinh nghiệm sẽ sớm triển khai xây dựng Nhà máy theo tiến độ, đúng cam kết với tỉnh.

Trong khi đó, đầu tháng này tập đoàn Formosa đã khởi công xây dựng lò cao tại Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương tại Hà Tĩnh.

Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh có quy mô giai đoạn 1 là 7,07 triệu tấn phôi thép/năm sẽ là nhà máy thép quy mô lớn nhất khu vực ASEAN. Hiện tại, tiến độ tổng thể của toàn bộ dự án đạt 30,4% và theo kế hoạch, cuối tháng 5-2015 lò cao số 1 bắt đầu sản xuất chính thức.

Chủ đầu tư dự án cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư trong giai đoạn 2 lên tới 18 triệu tấn phôi thép/năm, thậm chí, Formosa còn tính cả bước mở rộng tiếp, với công suất 21,8 triệu tấn phôi thép/năm.

Dự án này chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu và các sản phẩm sản xuất ra phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Để phục vụ triển khai dự án, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha với việc thực hiện di dời gần 3.000 hộ dân cho dự án.

Một nhà đầu tư khác cũng được đánh giá là có khả năng triển khai dự án thép tại Việt Nam là Tata Steel - một nhánh của Tập đoàn Tata (Ấn Độ). Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc triển khai dự án, nhưng Tata Steel nhiều lần tuyên bố quyết tâm theo đuổi dự án thép hàng tỉ đô la Mỹ ở Khu kinh tế Vũng Áng.

Dự án thép của Tata được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2007 với tổng vốn là 5 tỉ đô la Mỹ và công suất là 4,6 triệu tấn/năm. Trên thực tế, dự án thép này sẽ được đầu tư thông qua liên doanh giữa Tata Steel, Tổng công ty thép Việt Nam và Tập đoàn Xi măng Việt Nam, với cổ phần chi phối 65% sẽ do Tata nắm giữ.

Việc những dự án thép hàng tỉ đô la Mỹ đang dần hình thành ở Việt Nam cũng dấy lên lo ngại về nguồn cung sẽ vượt xa nhu cầu trong nước, những tác động đến môi trường, lượng nước và điện năng khổng lồ mà các dự án này sẽ tiêu thụ.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, công suất thép xây dựng cả nước hiện nay vào khoảng 11 triệu tấn nhưng tiêu thụ thép loại này năm 2012 chỉ có khoảng 5,5 triệu tấn, kể cả nhập khẩu.
 
  • 205
  • By Admin
  • 14/12/2012
  • 17