Các dự án nhà ở cho thuê: Như muối bỏ biển!
Trong khi đó, các doanh nghiệp với nhiều lý do, chưa mặn mà với phân khúc thị trường này. Chắc chắn trong thời gian tới, những chính sách đầu tư cho phân khúc này sẽ được tiến hành và khi đó hy vọng thị trường này sẽ khởi sắc.Muối bỏ biển
Dạo một vòng qua các làng sinh viên như Phùng Khoang, Quan Hoa, Trung Hòa, Nhân Chính, Dịch Vọng, Mai Dịch..., thật dễ gặp những người đi hỏi thuê nhà trọ. Tuy nhiên, nhiều người đã phải thốt lên rằng quả là không dễ khi đi tìm được một phòng trọ dịp này. Không những khó thuê mà giá nhà trọ cũng tăng lên liên tục. Quy luật thị trường là khi cầu vượt cung thì việc giá bị đẩy lên cao là tất yếu và nhà trọ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Các chủ nhà còn phòng dịp này lấy cớ giá sinh hoạt đắt nên nâng giá phòng lên gần gấp rưỡi so với năm ngoái.Không phải chỉ sinh viên, công nhân mới khó tìm nhà trọ mà ngay cả nhiều cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính nhà nước hay các công ty tại Hà Nội cũng đang gặp khó khăn về nhà ở. Nhiều người là sinh viên ra trường đã "bám trụ" lại đây, lập gia đình đến hàng chục năm nhưng vẫn phải đi thuê nhà để ở. Chuyện hàng tháng, một gia đình phải trả khoảng 4 đến 5 triệu đồng tiền thuê một căn hộ tập thể cũ, diện tích chừng 40 m2 đang là hiện tượng khá phổ biến. Không những thế, chủ nhà cũng chẳng chịu ký hợp đồng dài hạn, hoặc nếu có ký hợp đồng dài hạn thì đưa vào điều khoản xem xét điều chỉnh giá cho thuê 3 tháng/lần.
Năm 2003, CTCP Đầu tư xây dựng số 2 (Hacinco) đã triển khai dự án xây dựng nhà cho thuê đầu tiên tại Hà Nội. Mới đây nhất, việc Hà Nội dùng vốn ngân sách đầu tư xây dựng 800 căn hộ cho thuê - thuê mua tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên) nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển.
Giá nhà thương mại quá cao khiến nhu cầu nhà thuê tăng lên |
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân khiến nhiều người dân có nhu cầu thuê nhà ở là giá nhà thời gian qua liên tục tăng cao, khiến cho phần lớn người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở không đủ khả năng mua nhà. Hơn nữa, từ sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp về nhà ở, các chính sách mới chỉ tập trung vào việc khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chưa quan tâm nhiều đến các cơ chế ưu đãi nhằm phát triển nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị nên có một bộ phận lớn người dân gặp khó khăn về nhà ở.
Tăng tỷ lệ nhà ở cho thuê
Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện Nhà nước chưa có chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê nên chưa có quỹ nhà này. Kết quả tổng điều tra nhà ở toàn quốc cho thấy, loại hình nhà thuộc sở hữu riêng chiếm 92,8%; nhà ở cho thuê chỉ chiếm 6,5%; các hình thức khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ nhà cho thuê cũng chỉ chiếm 14,5%.Thậm chí cho đến nay, nhiều địa phương còn chưa có quy hoạch, kế hoạch bố trí quỹ đất để chuẩn bị cho việc phát triển nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp, trong khi theo quy định, UBND cấp tỉnh phải rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng của địa phương.
Trong khi đó, chỉ một số ít công chức, viên chức được ở nhà công vụ hoặc được cấp đất làm nhà ở, còn phần đông phải tự lo nhà ở cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tiền nhà ở trong tiền lương chưa được tính đúng, tính đủ và quá thấp so với giá nhà ở trên thị trường (tỷ lệ tiền nhà chiếm 7,5% tiền lương).
Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho thuê, Bộ Xây dựng đã đề xuất có quy định bắt buộc tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng tại khu vực đô thị lên 15% (hiện tại là 4%) vào năm 2020. Từ đó, tăng tỷ lệ nhà ở cho thuê trong quỹ nhà ở đô thị, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở phù hợp với điều kiện của đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Cụ thể, đến năm 2020, nâng tỷ lệ nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị trên cả nước đạt 20-25% (hiện là 14%); tại Hà Nội tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 20-25% (hiện là 14%); tại TP. HCM tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 25-30% (hiện là 19%); tại các đô thị loại I, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt 15-20% (hiện là 4-6%); tại các đô thị khác, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt khoảng 10%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quan trọng hơn là phải có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều loại hình nhà ở (về giá thành, quy mô diện tích...) để đáp ứng nhu cầu đa dạng về chỗ ở với nhiều điều kiện và cơ cấu hộ gia đình khác nhau, nhất là các hộ thu nhập thấp.
(Theo ĐTCK)
- 0
- By Admin
- 05/07/2011
- 17