• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Các dự án nằm ngoài vành đai 4: Sốt ruột chờ quy hoạch

Nhiều dự án lớn ở phía Tây Hà Nội "ăn theo" các trục đường quy hoạch

1 tuyến đường, 5 “siêu” dự án

Hầu hết các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư nằm ngoài vành đai 4 của Hà Nội đều có diện tích chiếm đất rất lớn. Trong đó, có nhiều đồ án, dự án đầu tư bất động sản bắt đầu nghiên cứu, khảo sát từ năm 2007. Nếu các dự án khu đô thị tầm trung của Hà Nội trước khi mở rộng thường chỉ rộng chừng 80-100ha, lớn nhất là khoảng 300ha, thì những khu đô thị mới đề xuất tại các huyện phía Tây (Hà Tây cũ), vùng ngoài đường vành đai 4, cỡ “vừa vừa” cũng xấp xỉ 1.000ha, còn quy mô nhất lên tới 2.800ha (huyện Quốc Oai).

Đa số các “siêu” dự án này là các dự án xây dựng, chuyển giao (BT) nhằm đầu tư xây dựng các tuyến đường trục lớn ở khu vực phía Tây. Do đó, phần lớn các “siêu” dự án đều bám dọc theo các trục đường hứa hẹn được mở theo quy hoạch.

Chẳng hạn, tính sơ sơ, dọc trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam, đã có tới 5 khu đô thị đối ứng, khiêm tốn nhất có diện tích 437ha, lớn nhất lên tới 2.413ha gồm: Khu đô thị Chương Mỹ, Khu đô thị thương mại Quốc Oai, Khu   đô thị Thạch Phúc, Khu đô thị Thạch Thất, Khu đô thị Quốc Oai Nam Cường. Tổng diện tích của 5 khu đô thị này đạt tới con số khổng lồ 6.216,5ha!

Có thể thấy con số này lớn thế nào nếu biết rằng, trong vòng 5 năm trước khi Hà Nội mở rộng, từ năm 2003 tới hết năm 2007, các địa phương liên quan tới sáp nhập chỉ phê duyệt quy hoạch và giao được 11.500 ha đất.

Trong góp ý gần đây nhất cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP Hà Nội cho biết, ngoài 244 đồ án, dự án đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho tiếp tục triển khai có điều kiện, ngoài vành đai 4, còn nhiều dự án nằm trong vùng dự kiến là hành lang xanh, vành đai xanh của Thủ đô mới. Tỏ ra rất thận trọng với các dự án này, Hà Nội cho rằng, việc dừng hoặc thay  đổi mục tiêu đầu tư đối với các dự án này sẽ gây ra những thiệt hại lớn về của cải vật chất và môi trường đầu tư.

Do vậy, Quy hoạch chung phải đề xuất được các giải pháp tài chính cụ thể để giải quyết những tồn tại này. UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải chỉ rõ được những giải pháp ứng xử (cho phép tồn tại, chuyển đổi chức năng hay không được phép đầu tư) đối với từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phát triển đô thị, du lịch...”.

Cấp phép có vấn đề!

Ở thời điểm các dự án phía trong vành đai 4 đã rà soát xong cơ bản (đợt I), ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở QH-KT cho biết, do đợt II (rà soát các dự án ngoài vành đai 4) “đụng” tới nhiều đồ án, dự án có diện tích lên tới hàng nghìn hécta, lại nằm trong khu vực vành đai xanh (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội) nên mức độ sàng lọc sẽ cao hơn với các yêu cầu kiểm soát rất nghiêm ngặt. Do đó, thời gian rà soát sẽ lâu hơn đợt I và quan trọng là phải chờ đợi những nội dung mang tính “thời sự” của bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn cũng cho rằng, rà soát, sắp xếp dự án là việc rất khó cho Hà Nội. Ông Nguyễn Đình Toàn chia sẻ: “Thành phố phải thường xuyên đối mặt với việc phải xử lý, làm thế nào để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp khi quyết định các dự án trong vùng nghiên cứu quy hoạch. Quan điểm của Bộ Xây dựng là phải giải quyết rốt ráo nhưng cần duy trì được trật tự quy hoạch, dựa trên các quy hoạch phân khu. Hiện nay, có tới hàng trăm dự án còn lộn xộn, cái hình thoi, cái hình chữ nhật, thậm chí có dự án còn chưa có đường vào! Việc cấp phép dự án trước đây có vấn đề, nay phải giải quyết chứ không phải ngồi đó than vãn”.

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 13/11/2010
  • 17