• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Các dự án BĐS sẽ khó vay vốn từ ngân hàng

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS trong năm 2010 vẫn được đánh giá là ổn định ở mức xấp xỉ tỷ lệ tăng tín dụng chung. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, sự biến động của thị trường BĐS trong thời gian qua luôn tiềm ẩn rủi ro cho các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực này. Ngành ngân hàng(NH) coi việc cho vay đối với lĩnh vực BĐS chưa có cơ sở vững chắc, khó xác định hiệu quả nên họ chưa thể coi đây là tiềm năng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Sắp tới vẫn sẽ là thời điểm thực sự khó khăn đối với vốn vay từ (NH) của các dự án BĐS.

Thực hiện chủ trương an toàn cho hệ thống của mình, các NH đều hạn chế cung cấp tín dụng cho đầu tư các dự án BĐS, hạn chế cho vay mua nhà, đồng thời lãi suất cho vay của các NH thương mại tăng cao, đa số áp dụng lãi suất từ 16 - 18% hoặc cao hơn. Do đó các chủ đầu tư khó vay vốn để triển khai dự án và những nhà đầu tư bằng vốn vay NH sẽ càng khó khăn và phải cân đối giữa lợi nhuận và lãi suất vay, dẫn đến tình trạng giảm về giao dịch. Đồng thời đó là giá vàng liên tục leo thang, có thời điểm lên đến 38 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD so với VNĐ trên thị trường tự do tăng cao, càng làm các chủ đầu tư phải cân nhắc khi đầu tư vào BĐS. Do thiếu hụt về vốn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng dự án hoặc nếu vẫn tiếp tục triển khai thì trong tình thế cầm chừng, hết sức khó khăn. Có doanh nghiệp phải chuyển nhượng dự án hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án tại khu vực Tp.HCM...

Thực tế, trong lĩnh vực cho vay BĐS, không chỉ trong giai đoạn này, các NH đều thực hiện chọn lọc những dự án hiệu quả trên cơ sở kiểm soát chặt điều kiện tín dụng. Cụ thể như điều kiện muốn vay được vốn, các doanh nghiệp phải có những dự án tốt, dự án khả thi và các cơ quan quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc các NH phải cho doanh nghiệp nào đó vay vốn. Đại diện một NH cho biết, họ luôn có sự lựa chọn kỹ các dự án, phải xác định được đối tượng vay là ai, vị trí nằm ở địa bàn nào, dự án khả thi ra sao, ngoài ra dự án có khả năng hoàn thành theo tiến độ và đầu ra tốt hay không...

Trong khi đó theo dự báo thị trường BĐS năm 2011 này vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tài chính tiền tệ, đặc biệt vừa qua Chính phủ ra Nghị quyết 11/NQ-CP yêu cầu các bộ ngành Trung ương, các địa phương tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hiện nay. Trong đó NH NNVN có nhiệm vụ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực BĐS, chứng khoán. Như vậy, khả năng nguồn vốn vay từ các NH cho các dự án BĐS là khó khăn, lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng đầu năm. Hy vọng đến giữa năm, lãi suất sẽ giảm và ổn định tạo điều kiện về cung ứng vốn cho thị trường BĐS.

Các chuyên gia BĐS cũng phân tích, với những khó khăn về nguồn vốn như vậy, doanh nghiệp BĐS sẽ phải chọn những dự án có hiệu quả để đầu tư, đầu tư có trọng điểm và định hướng đúng. Diễn biến trên thị trường cho thấy các dự án trung lưu, giá thấp đang phù hợp với thị trường vì nhu cầu rất lớn. Các nhà đầu tư nên chuyển hướng vào các dự án căn hộ có giá bán phù hợp với người thu nhập trung bình, thay vì trước đây chỉ nhắm vào các dự án có giá thành cao, cho người giàu. Các dự án căn hộ giá rẻ, bán nhanh sẽ tăng vòng quay đồng vốn, thu hồi vốn nhanh thay vì vốn bị chôn vào các dự án căn hộ cao cấp... Tuy nhiên giải pháp về dài, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường BĐS, đặc biệt là hệ thống tài chính cho phát triển nhà ở hoàn chỉnh. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: Trước mắt thị trường BĐS vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy các chính sách tài chính tiền tệ cần linh hoạt để vừa bảo đảm không tạo ra “bong bóng” trên thị trường BĐS, những cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng.

Một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất đó là cần thúc đẩy việc hình thành và phát triển các dạng quỹ đầu tư BĐS, bởi chỉ khi thị trường BĐS có được sự tài trợ của loại hình quỹ tài chính BĐS thì chúng ta mới có một thị trường BĐS được tài chính hóa và tạo được sự bình ổn, phát triển. Thứ trưởng Nam cũng cho biết: Sẽ thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ người lao động có điều kiện để mua nhà. Không chỉ người dân, mà cả các doanh nghiệp BĐS cũng tham gia quỹ này... Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất nghiên cứu thí điểm thành lập cơ quan tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thức BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.

(Theo BXD)

  • 242
  • By Admin
  • 15/03/2011
  • 17