Các doanh nghiệp ào ạt bơm vốn cho bất động sản
5 ngày trước, Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam và Ngân hàng ngoại thương VN (Vietcombank) chi nhánh TP.HCM đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án Him Lam Riverside. Tổng giá trị gói tài trợ vốn này là 967 tỷ đồng, trong đó có 500 căn hộ bán cho thành phố phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm. Đây là dự án căn hộ cao cấp tọa lạc tại quận 7, sẽ chào bán thành nhiều đợt trong năm nay, cung cấp cho thị trường hơn 800 căn hộ với 9 block nhà cao từ 11-25 tầng.Trước đó, ngày 8/7, bốn ngân hàng gồm Công thương Việt Nam, Bảo Việt, Gia Định và Á Châu đã ký hợp đồng tài trợ vay vốn 1.200 tỷ đồng cho dự án trung tâm mua sắm Hồ Bán Nguyệt - Crescent Mall của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Đây là dự án khu phố mua sắm sẽ cung cấp cho thị trường 112.000m2 cửa hàng, khu vực giải trí, phòng chiếu phim và khu siêu thị...
Cùng ngày, Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) cũng được Ngân hàng Hàng hải tài trợ 500 tỷ đồng cho khu đô thị Nam An Khánh (Hà Nội).
Trong quý I, Bitexco (chủ đầu tư dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh), Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn VN (Agribank) và Vietcombank đã cùng ký hợp đồng thu xếp vốn giải phóng mặt bằng lên đến 2.650 tỷ đồng. Theo đó, Vietcombank sẽ là đơn vị tài trợ cho dự án 1.550 tỷ đồng, Agribank cho vay 1.100 tỷ đồng. Gói tài trợ kéo dài 79 tháng. Dự án sẽ là khu phức hợp có chức năng văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, bệnh viện, trường học và khu vui chơi giải trí quy mô lớn giữa trung tâm TP HCM.
Lãnh đạo Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam và Ngân hàng Vietcombank cùng ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án Him Lam Riverside. Ảnh: Vũ Lê.
Tương tự, khoản vay tín dụng trị giá 5.650 tỷ đồng do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN ký kết với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), theo thỏa thuận cũng được trích một phần đổ vào các dự án bất động sản của doanh nghiệp này trong năm 2009-2011. Sau động thái trợ vốn này, trong quý I, dự án căn hộ cao cấp Hoàng Anh River View và Phú Hoàng Anh được doanh nghiệp này chủ động giảm giá 550-950 USD/m2 so với mức công bố một năm trước. Dự kiến trong thời gian tới, HAGL sẽ tung một loạt sản phẩm căn hộ có giá khoảng 18 triệu đồng/m2.
Nét chung của hiện tượng "bơm vốn" vào thị trường bất động sản là các hợp đồng vay nặng ký đang lần lượt chảy vào những dự án của các đại gia có thâm niên và tiềm lực dồi dào trong làng địa ốc. Hiện hầu hết công trình được cam kết hỗ trợ vốn kiểu này đều bước vào giai đoạn khởi công hoặc xây dựng phần móng.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Xanh, Nguyễn Khánh Hưng, nhận xét: "Ngân hàng cam kết cho doanh nghiệp vay vốn theo tiến độ của dự án sẽ giúp đầu ra của sản phẩm được đảm bảo. Trong tình huống này uy tín và thương hiệu của chủ đầu sẽ ít nhiều tác động đến hợp đồng vay".
Theo ông Hưng phân tích, tùy thuộc vào pháp lý, tính khả thi, khả mãi của dự án cũng như chến lược kinh doanh của chủ đầu tư mà mức hỗ trợ vốn cho từng dự án riêng lẻ sẽ được điều chỉnh khác nhau. Ông cho hay, việc "rót" vốn cho dự án không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn tài chính thực hiện công trình mà còn có tác dụng giúp nhà đầu tư và người tiêu dùng an tâm khi mua nhà đất.
Chuyên gia này cũng cho rằng, mặc dù hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bắt đầu có tín hiệu khả quan nhưng riêng đối với khách hàng mua nhà, ngân hàng còn khá dè dặt và áp mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Nguyễn Thanh Toại, nhận định việc nhiều nhà băng ký các hợp đồng tài trợ tín dụng lên đến hàng trăm tỷ đồng với những công ty bất động sản, thể hiện kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường địa ốc trong tương lai.
Tuy nhiên theo ông Toại, hiện nay các chỉ tiêu và biến động kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng, chưa có những dấu hiệu lạc quan, nên việc bơm vốn vào thị trường cần phải cân nhắc kỹ vì bài học của năm 2008 vẫn còn đó.
Theo Vnexpress
- 258
- By Admin
- 17/07/2009
- 17