• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Các công ty địa ốc dầu khí đang sở hữu quỹ đất lớn

Cách đây vài năm, chủ trương thoái vốn khỏi lĩnh vực BĐS của ngành dầu khí đã được thực hiện khi lĩnh vực này lâm vào khủng hoảng. Đầu năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam phải thực hiện thoái vốn khỏi BĐS để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chủ chốt.

Những năm qua, nhiều dự án BĐS của ngành dầu khí đã đổi chủ có thể kể đến như Hanoi Times Tower, Diamond Tower, Tổ hợp thương mại, văn phòng và khách sạn ở Quảng Ninh chuyển nhượng lại cho Ocean Group,… Gần đây, dự án tòa tháp PVN Tower ở Mễ Trì cũng đã có chủ trương chuyển đổi sang chủ đầu tư khác là Công ty CP Đầu tư Mai Linh theo hình thức chỉ định.

Dù đã xuất hiện những động thái chuyển nhượng lại dự án BĐS nhưng đến nay nhiều “ông lớn” BĐS dầu khí vẫn đang sở hữu quỹ đất lớn vì việc thoái vốn còn chậm, kinh tế những năm vừa qua khó khăn nên các dự án BĐS ít được quan tâm.

Đặc biệt, có những công ty BĐS dầu khí sở hữu hàng trăm đến hàng nghìn ha từ các dự án chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Tp.HCM. Đơn cử, Công ty CP Dầu khí Đông Đô, quỹ đất của doanh nghiệp này phần lớn tọa lạc các thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội với các dự án như Khu đô thị Dầu khí Đức Giang (Hoài Đức) 78,2 ha, tổng mức đầu tư là 2.180 tỷ.

Quy hoạch cho thấy, dự án Khu đô thị Dầu khí Đức Giang có diện tích đất phát triển nhà ở khoảng 12,7 ha, diện tích đất giao thông 45,3 ha… Chủ đầu tư đã đầu tư vào dự án khoảng 19,5 tỷ đồng cho việc chuẩn bị đầu tư và công trình cũng đang được lập quy hoạch 1/500. Được biết, Công ty Dầu khí Đông Đô đang xúc tiến việc thoái vốn khỏi dự án này.

doanh nghiệp địa ốc dầu khí
Các doanh nghiệp địa ốc dầu khí hiện nay đang sở hữu quỹ đất lớn

Hay như một dự án quy mô lớn khác do Công ty Dầu khí Đông Đô làm chủ đầu tư cũng đang muốn được thoái vốn hoặc hợp tác đầu tư là Khu đô thị Cửu Long tại Hòa Bình với quy mô 60 ha, hiện đã hoàn thiện giải phòng mặt bằng, thiết kế.

Tương tự, một công ty có vốn dầu khí khác hiện nay cũng đang sở hữu quỹ đất lớn trên khắp cả nước là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN, doanh nghiệp này sở hữu dự án phần lớn ở phía Nam như Tp.HCM, Vùng Tàu, Bình Dương với tổng quỹ đất khoảng 950 ha.

Có thể kể đến các dự án như Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn Vũng Tàu 850 ha (nhà máy lọc dầu); Khu công nghiệp Chí Linh Vũng Tàu 35 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng như phương án bồi thường, quyết định thu hồi đất, công trình này đã được đầu tư 11 tỷ. Bên cạnh đó, công ty này đang đầu tư xây dựng khu chung cư cao cấp Huỳnh Tấn Phát ở quận 7, Tp.HCM trên khu đất 3.395m2, hiện nay đang thi công tầng 8 với tổng diện tích sàn 33.364m2, khối căn hộ 2 tầng hầm và 28 tầng nổi. Công trình này đã được đầu tư 330 tỷ đồng, dự kiến bàn giao giữa 2017.

Báo cáo của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC cho thấy, tính tới tháng 6 năm 2015, đơn vị này sở hữu 249 ha cả gián tiếp và trực tiếp, trong đó khoảng 61 ha đang thực hiện giải phóng mặt bằng, 188 ha là đất sạch.

Những dự án lớn của Công ty Dầu khí PVC, ngoài đã và đang thực hiện tại Tp.HCM như Trung tâm tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng, căn hộ Petroland tại quận 2, doanh nghiệp còn đang thực hiện nhiều dự án BĐS lớn khác như tòa nhà cao tầng Thăng Long ở quận 9, Khu đô thị dầu khí Vũng Tàu ở phương 11, dự án golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh và khu nhà ở thương mại Tường Bình Hiệp tại Thủ Dầu 1 (Bình Dương).

Ngành dầu khí cũng còn có nhiều công ty ở các địa phương đang có quỹ đất lớn chưa thoái vốn. Điển hình như Khu sinh thái Cam Ranh 171 ha của Công ty CP Dầu khí Nha Trang; khu chung cư Quang Trung (Nghệ An), Khu đô thị Hậu Giang 9,5 ha của Công ty CP Đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn; Petrowaco hợp tác cùng Vinaconex đầu tư vào dự án dự án 97 Láng Hạ Hà Nội và khu tập thể 59-63 Huỳnh Thúc Kháng; Dự án C1 Thành Công 17 tầng, nhà ở dầu khí Hòa Bình 60 ha.

Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Trần Ngọc Quang cho rằng, dự án BĐS trước đây như “miếng bánh ngon”, chủ đầu tư dự án nào cũng muốn ăn một mình nhưng nay thị trường BĐS đã khác, xu hướng này không còn. Thay vào đó là xu hướng bán “đứt” dự án hoặc hợp tác đầu tư diễn ra phổ biến.

Đáng chú ý, xu hướng này sắp tới sẽ nở rộ bởi theo ông Quang hiện tại theo quy định của Luật mới việc chuyển nhượng dự án BĐS không còn khó khăn, thậm chí chủ đầu tư còn có thể chuyển nhượng một phần dự án.

  • 0
  • By Admin
  • 22/10/2015
  • 17