Các công trình trọng điểm phải đẩy nhanh tiến độ
Mặc dù lãnh đạo các cấp của Tp.HCM đã có những đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ những vẫn chưa có nhiều hiệu quả.Cầu vượt Gò Dưa: “Thắt”… 7 năm
Hai công trình cửa ngõ phía đông Tp.HCM, nơi có mật độ phương tiện lưu thông đông nhất Tp.HCM, có vai trò cực kỳ quan trọng là quốc lộ (QL) 13 chạy thẳng ra Bình Dương và xa lộ Hà Nội (XLHN) nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên.Nút cầu vượt Gò Dưa, suốt 7 năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của giới tài xế đi mỗi khi qua đây. Đoạn đường này chỉ dài 40 km nhưng các phương tiện cứ rồng rắn nối đuôi nhau và có khi phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới qua nổi cái “nút thắt” khổ ải này.
Ngay từ năm 2003, để giải quyết tình trạng kẹt xe ở xa lộ Đại Hàn, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây cầu vượt Gò Dưa để xe cộ không cắt ngang xa lộ. Đến nay, cầu xây xong đã lâu nhưng đường dẫn lên cầu vẫn chưa xong. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải vô cùng bức xúc. Chỉ còn bốn tuyến đường nhánh nếu hoàn thành sẽ tạo sự thông suốt cho hàng chục ngàn lượt xe đi về các tỉnh Tây Ninh và Tây Nam bộ. Nguyên nhân vì nút “cổ chai” Gò Dưa. Đại biểu Nguyễn Minh Hương từ lúc mới được bầu vào HĐND đến nay đã “đồng hành” với công trình cầu vượt Gò Dưa suốt 7 năm qua nhận xét, chỉ có hơn 70 hộ dân mà công trình phải “giậm chân tại chỗ” suốt nhiều năm trời, thiệt hại mỗi ngày hàng tỷ đồng. Nếu như chính quyền công tâm và minh bạch trong giải quyết các vướng mắc với người dân thì sẽ giảm được thiệt hại rất lớn.
Tỉnh lộ 25B: Gập ghềnh đường vào cảng
Tương tự, một nút thắt bức bối không kém là dự án đường liên tỉnh lộ 25B đi cảng Cát Lái - cảng biển quan trọng nhất của Tp.HCM và khu vực, với lượng hàng container thông qua chiếm hơn 70% tổng số hàng container qua các cảng của Việt Nam. Hàng ngày, tuyến đường phải gồng mình gánh chịu hàng ngàn lượt xe container lưu thông qua lại khiến tuyến đường xuống cấp nhanh chóng. Ngoài ra, do mật độ phương tiện lưu thông đông, trong khi mặt đường hẹp nên tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm sáng sớm và chiều tối.Để mở rộng và phát triển cảng Cát Lái, từ năm 2004, chủ trương mở rộng liên tỉnh lộ 25B đã được thực hiện. Còn đường chỉ rộng 12 m theo quy hoạch được duyệt mở rộng có lộ giới 60 m, dài 3 km (từ cảng Cát Lái ra XLHN) nằm trên địa bàn quận 2; khi hoàn thành, công trình kết nối với đường vành đai phía đông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái. Có vai trò quan trọng như vậy, nhưng bảy năm nay, dự án mở rộng liên tỉnh lộ 25B không nhúc nhích. Tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng liên tục diễn ra. Chỉ 3 km nhưng các phương tiện có khi mất cả giờ đồng hồ.
Chủ đầu tư dự án trên là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) cho biết, hiện nay mới nhận được 64% mặt bằng trong tình trạng “da beo” nên khó thi công nhanh liên tỉnh lộ 25B.
Mâu thuẫn cơ chế đền bù: Căn bệnh trầm kha
Lẽ ra cầu vượt Gò Dưa không trì trệ đến 7 năm nếu như chính quyền quận Thủ Đức ra văn bản thu hồi đúng luật. Theo quy trình thì sau khi có các quyết định phê duyệt đầu tư và điều chỉnh dự án của Bộ GTVT, UBND Tp.HCM phải ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể để trên cơ sở đó UBND quận Thủ Đức ban hành các quyết định thu hồi đất của từng hộ dân nằm trong phạm vi xây cầu vượt Gò Dưa và triển khai các bước đền bù giải tỏa tiếp theo. Tuy nhiên, trình tự pháp lý này đã bị bỏ qua. Vì Quyết định 3358 của UBND Tp.HCM lại không phải là quyết định thu hồi đất tổng thể, mà chỉ là quyết định chấp thuận bổ sung nút giao thông Gò Dưa là một hạng mục công trình của dự án đường Xuyên Á.UBND quận Thủ Đức đã có văn bản xin lỗi công khai người dân vì “kiểm kê, áp giá, chi trả bồi thường nhưng chưa có quyết định thu hồi giao đất bổ sung, việc kiểm kê áp giá chưa đúng với quy định pháp luật”. Vì thế dự án liên tục bị đình trệ để chính quyền địa phương sửa sai.
Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2010, theo giải thích của Phó Chủ tịch thường trực UBND Nguyễn Thành Tài, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng tại dự án liên tỉnh lộ 25B là phải giải phóng mặt bằng nhiều lần, dẫn đến giá bồi thường cũng phải điều chỉnh nhiều lần. Theo ông Tài, thành phố sẽ cố gắng bảo đảm cho người dân được lợi nhất khi họ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong khi ấy, chiếu theo những quy định của Luật Đất đai để tính bồi thường cho dân theo giá nào, thì thành phố không tính được. Hiện các đơn vị thi công tại dự án này đều đang chờ phương án bồi thường mới của UBND Tp.HCM sớm được ban hành để có thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đây là hai dự án trọng điểm thường xuyên được lãnh đạo UBND và Thành ủy Tp.HCM chỉ đạo các đơn vị sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ công trình. Sắp tới Tp.HCM tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông đô thị quy mô lớn, và nếu như không có sự thay đổi lớn về chính sách đền bù thì sẽ tiếp tục xuất hiện những công trình “rùa”.
(Theo tintuc)
- 0
- By Admin
- 18/04/2011
- 17