Các chuyên gia "hiến kế" đẩy nhanh giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng
Cần tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng (ảnh minh họa) |
Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV Cấn Văn Lực: Nên thành lập Quỹ Tín thác đầu tư BĐS
Ông Cấn Văn Lực |
Trong một thời gian dài, rất khó để giữ lãi suất cố định. Cụ thể, có 2 vấn đề xảy ra nếu giữ lãi suất cố định trong vòng 10 năm. Thứ nhất, khả năng hỗ trợ của ngân sách Nhà nước quá lớn. Thứ hai, người đi vay gói 30 nghìn tỷ đồng sẽ thiệt nếu lãi suất thị trường hạ xuống dưới 3%. Vì vậy, không nên cố định lãi suất mà cần thả nổi theo tín hiệu thị trường.
So với trái phiếu Chính phủ thông thường có thời gian đáo hạn 3-5 năm với mức lãi suất 5-6% thì mức lãi suất ở Việt Nam hiện nay 5%, thời gian đáo hạn 10 năm là tương đối tốt.
Cần thành lập một định chế tài chính, gọi là Quỹ Tín thác đầu tư BĐS, một mô hình khá phổ biến ở các nước châu Á như: Nhật Bản, Malaysia và Singapore, nơi mọi người gom tiền vào đầu tư, tuy nhiên, đây là một tổ chức chính thống, hoạt động có quy mô và phát hành chứng chỉ đầu tư cho nhà đầu tư. Theo đó, khi một nhà đầu tư muốn chuyển nhượng cho người khác thì chứng chỉ này có thể mua bán trên sàn chứng khoán.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Hãy để các ngân hàng thương mại ra điều kiện cho vay
Ông Nguyễn Trí Hiếu |
Nên để cho ngân hàng thương mại chủ động quyết định tất cả những vấn đề cho vay như điều kiện, chính sách, quy chế bởi các cơ quan Nhà nước, bộ, ngành ngoài lĩnh vực ngân hàng không thể làm tốt việc này.
Đặc biệt, nên bỏ đi một số quy định không nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng và cũng không phải là quy định của ngân hàng như quy định UBND cấp huyện, quận có trách nhiệm xác nhận người dân chưa có nhà ở. Hãy để ngân hàng điều tra việc này và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin vì ngân hàng là bên cho vay. Vấn đề liên quan đến tín dụng, không thể bắt cơ quan hành chính làm việc xác nhận.
Đối với những đối tượng đủ điều kiện để vay, tuy nhiên, khả năng trả nợ rất thấp thì nên kéo dài thời gian trả nợ đến 15-20 năm, thậm chí là 30 năm để tiền lãi và gốc mỗi tháng thấp đi, chỉ bằng khoảng 50% tổng thu nhập mỗi tháng của khách hàng. Tại Mỹ, người ta cố định 30 năm lãi suất cho người mua nhà thu nhập thấp. Vì thế, nguồn tái cấp vốn của ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại cũng có lãi suất cố định trong 30 năm.
Chuyên gia kinh tế Võ Văn Quang: Kéo dài thời gian đáo hạn đến 30 năm
Ông Võ Văn Quang |
Bộ Xây dựng và ngân hàng Nhà nước nên họp với các ngân hàng thương mại để chia nhỏ chỉ tiêu và có được cam kết thực hiện của mỗi ngân hàng.
Lãi suất cho vay hiện đã rất thấp nên gói tín dụng ưu đãi này còn phải “cạnh tranh” hơn nữa. Cụ thể, bên cạnh con số 30 nghìn tỷ đồng và mức lãi suất cho vay, còn phải cạnh tranh ở quy trình cho vay. Theo đó, quy trình xét duyệt phải thuận lợi cho khách hàng. Để người dân dễ dàng hơn trong việc trả nợ, nên kéo dài thời gian cho vay lên 20 năm thậm chí 30 năm. Ở nước ngoài, ngay cả ở nước giàu như Mỹ, lộ trình vay mua nhà còn kéo dài đến 20-30 năm huống chi Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cùng với ngân hàng Nhà nước và tổ chức hỗ trợ quốc tế thảo luận quy định, cơ chế của Quỹ Tín dụng phát triển nhà ở thu nhập thấp với quy trình chặt chẽ để tránh bị lạm dụng bởi giới đầu cơ như: lý lịch thu nhập 5-10 năm của từng cá nhân; hồ sơ vay phải có hình ảnh ngôi nhà; truy thu toàn bộ số tiền nếu bị “nhà đầu cơ” lợi dụng và phạt, kỷ luật cán bộ ngân hàng...
- 0
- By Admin
- 13/11/2014
- 17