Các chủ đầu tư đề xuất kinh doanh BĐS trong dự án hạ tầng du lịch
Khu du lịch Nhà hàng - Khách sạn Satraco phía đối diện với Chùa Dơi (Sóc Trăng). Ảnh: PK |
Khó vì chậm thu hồi vốn
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch vùng ĐBSCL trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2011, 13 tỉnh, thành trong vùng đã kêu gọi đầu tư vào 55 dự án phát triển du lịch với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trước đó các địa phương cũng đã tự tổ chức giới thiệu, xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án này đến nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các địa phương trong vòng 2 năm trở lại đây có rất ít nhà đầu tư xin đầu tư vào dự án hạ tầng khu du lịch. Những dự án đang triển khai dang dỡ cũng gặp không ít khó khăn và đều chậm tiến độ.Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh cho biết công ty đã lập dự án mở rộng khu du lịch Mỹ Khánh từ 10ha lên 30ha với số vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng, trong những tháng qua công ty đã “gõ cửa” nhiều tổ chức tín dụng nhưng vẫn chưa vay được vốn vì lãi suất quá cao đầu tư kèm hiệu quả. Theo ông Sang số lượng du khách lưu trú tại các khu du lịch sinh thái tại ĐBSCL rất ít. Doanh thu của các khu du lịch chủ yếu là thu vé vào cổng, cho thuê xe, tàu tham quan, và thu phí một số dịch vụ câu cá, bơi thuyền…có thể nói đầu tư khu du lịch bỏ ra “bạc tỉ” nhưng thu về là “bạc cắc” đây là lý do chính mà nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư dự án du lịch tại đây. “Do đó, để kích thích phát triển các dự án hạ tầng du lịch thì nhà nước cần có cơ chế ưu đãi đặt thù dành một khỏang tín dụng ưu đãi với lãi suất cực thấp cho doanh nghiệp”, ông Sang kiến nghị.
Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch đến với khu di tích Chùa Dơi tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2011 Công ty cổ phần Quốc tế Satraco đã triển khai đầu tư khu du lịch Nhà hàng - Khách sạn Satraco phía đối diện với ngôi chùa. Dự án có quy mô 24.000 m2, vốn đầu tư giai đọan 1 khoảng 26 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như: nhà hàng ăn chay miễn phí, nhà hàng ăn chay kinh doanh, kiốt bán đồ lưu niệm, nhà ở cho khách hành hương, nhà hàng khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 2-3 sao, sân khấu biểu diển nghệ thuật dân tộc Kinh-Hoa-Khmer, phòng chiếu phim 3D, khu trò chơi giải trí, xiếc thú… Công ty Satraco còn đầu tư 15 tỷ đồng theo hình thức cho tỉnh trả chậm sau 3 năm để mở rộng tuyến đường vào chùa.
Ông Ngụy Bá Tùng, Tổng giám đốc công ty Satraco cho biết hiện nay công ty đã bắt đầu đưa dịch vụ vận chuyển du khách bằng xe điện đến điểm tham quan, kinh doanh ẩm thực và bán hàng lưu niệm. Tuy bắt đầu khai thác nhưng doanh thu vẫn chưa đủ để trả lương cho nhân viên. Ông Tùng cũng kiến nghị nhà nước cần xem xét hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cho giai đọan tiếp theo của dự án bởi với lãi suất ngân hàng còn cao như hiện nay nhà đầu tư đang phải chịu khỏang lãi vay rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Hòang, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh Hậu Giang đang mời gọi đầu tư vào 6 dự án khu du lịch quy mô lớn. Nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng chưa quyết định đầu tư, hầu hết đều cho rằng tính hiệu quả của dự án đầu tư khu du lịch tại địa phương chưa cao số lượng du khách đến chưa nhiều, đầu tư số tiền lớn nhưng thu hồi rất chậm. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các địa phương tại khu vực ĐBSCL trong thu hút đầu tư dự án du lịch.
Kinh doanh BĐS để thu hồi nhanh một phần vốn đầu tư
Tại buổi họp thông qua đồ án quy họach chi tiết 1/500 khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cồn Khương với diện tích 20ha, tổng mức đầu tư khỏang 1.000 tỉ đồng do Công ty cổ phần thương mại Kinh Thành (Tp.HCM) làm chủ đầu tư, ông Lê Đình Vinh, Giám đốc dự án đại diện cho chủ đầu tư kiến nghị UBND TP.Cần Thơ cho phép dành 4,75ha (chiếm 23,43%) bố trí khỏang 158 lô biệt thực cao cấp nhà vườn để bán hoặc cho thuê dài hạn để thu hồi một phần vốn đầu tư, có như thế thì công ty mới dám bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện dự án.Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Khương được quy họach thành 9 khu chức năng chính như: Khu trung tâm dịch vụ (1,67ha), khu hội nghị hội thảo (1,58ha), khu biệt thự nhà vườn (4,75ha), còn lại là khu dịch vụ du lịch khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí và các công trình hạ tầng phụ trợ khác.
Cũng với mục đích thu hồi một phần vốn đầu tư, ông Lâm Hòang An, Phó giám đốc Công ty TNHH Việt Úc, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Việt - Úc ( tỉnh Hậu Giang) cho biết công ty cũng đang xin chủ trương của tỉnh cho phép dành một phần nhỏ diện tích của dự án để kinh doanh BĐS. Dự án Khu du lịch sinh thái Việt - Úc có diện tích gần 150ha, tổng vốn đầu tư: trên 3 triệu USD. Mục tiêu dự án: xây dựng một khu du lịch hệ sinh thái tự nhiên rừng ngập nước kết hợp chỉnh trang, xây dựng khu dân cư nhà vườn sinh thái đặc trưng của ĐBSCL trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Gồm các khu chức năng: Khu điều hành và quản lý (chiếm diện tích 3,2%), Khu trưng bày văn hóa dân tộc và dịch vụ tổng hợp (3,36%), Khu nghỉ dưỡng (5,04%), Khu nhà vườn tái định cư kết hợp trồng cây ăn trái (7,94%), Khu nuôi trồng thủy sản nước ngọt kết hợp dịch vụ hỗ trợ (1,77%), Khu rừng tràm nguyên sinh.Dự kiến đến cuối năm 2013, dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác với hệ thống trên 30 biệt thự vườn và 100 phòng nghỉ cao cấp.
Theo ý kiến của ngành chức năng việc đề xuất kinh doanh BĐS trong dự án khu du lịch là một ý tưởng với mong muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh hơn nhằm giải quyết bài tóan chậm thu hồi vốn mà các dự án đầu tư khu du lịch đang vấp phải. Tuy nhiên, về mặt cơ sở pháp lý thì cần phải xem xét nghiên cứu kỷ hơn. Nếu xét thấy đây là phương án tốt thì cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để nhà đầu tư an tâm đầu tư.
(Theo VIR)
- 0
- By Admin
- 06/06/2012
- 17