• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Các chính sách nhà ở đã mang lại lợi ích cho người dân

Ban hành nhiều cơ chế, chính sách an sinh xã hội

Từ sau đổi mới đến 2005, cùng với chủ trương xoá bỏ bao cấp về nhà ở, đưa tiền nhà ở vào tiền lương (theo Quyết định số 118/QĐ-TTg năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách quan trọng về nhà ở như: Chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê; Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg năm 2002 về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm tuyến dân cư ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn…

Nhằm tiếp tục góp phần thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quyết định đang được triển khai thực hiện như: Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long... Đặc biệt là chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ với các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng được xác định cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các chính sách nhà ở đã mang lại lợi ích cho người dân

Đối với chương trình triển khai thí điểm hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chòi phòng, tránh lũ lụt khu vực miền Trung thuộc địa bàn 7 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ, đạt tỷ lệ 100%.

Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị, đến nay các địa phương đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án xã hội, trong đó có 35 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 18.950 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.027 tỷ đồng. Cả nước cũng đang tiếp tục triển khai 129 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 90 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 27.560 tỷ đồng (bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã được UBND các tỉnh, TP chấp thuận).

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung đã hoàn thành 63 dự án, quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng; Đang triển khai thực hiện 39 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng...

Hướng đến mục tiêu cải thiện nhà ở

Nhìn chung, tất cả các chính sách hỗ trợ nhà ở đã ban hành nói trên đều hướng tới mục tiêu cải thiện nhà ở, đảm bảo ngày càng tốt hơn điều kiện ở của các hộ nghèo. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cho người nghèo có cuộc sống an toàn, ổn định lâu dài, tạo điều kiện để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao mức sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, phát triển nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương không bố trí vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ các hộ nghèo, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện, kết quả huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ cộng đồng còn thấp...

Thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện hỗ trợ cho khoảng 500 nghìn hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn (theo chuẩn nghèo mới) cải thiện nhà ở; hỗ trợ cho khoảng 160.000 hộ nghèo cư trú tại các tỉnh duyên hải, trong vùng ảnh hưởng của bão, lũ, lụt có chỗ ở an toàn, ổn định. Phấn đấu thực hiện diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà có chất lượng xây dựng và tiện nghi cao đạt trên 80% (tầm nhìn 2030).

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới về đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội tại các KCN tập trung; Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt khu vực miền Trung; Chính sách hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão cho các hộ nghèo khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung…

  • 0
  • By Admin
  • 15/05/2014
  • 17