• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Các KCN bỏ hoang: “Tấc vàng” ai xót?

Trên 57 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, đáng chú ý vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung nhiều KCN nhất với 124 KCN, chiếm gần 48%; Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có 52 KCN, chiếm 20% và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có 23 KCN, chiếm gần 10% tổng số KCN trên cả nước.

Tuy nhiên, việc sử dụng đất đai trong các khu công nghiệp hiệu quả đến đâu cho đến thời điểm này vẫn chưa có một con số thống kê chính xác. Theo con số sơ bộ thì hiện nay trên địa bàn cả nước, tỷ lệ lấp đầy các KCN mới đạt 46%. Mặc dù các khu công nghiệp tại các địa phương hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao nhưng nhiều địa phương tiếp tục xin thêm được dự án KCN mới.

Tại tỉnh Hưng Yên, trong ngót chục KCN thì chỉ có KCN Phố Nối A (diện tích 391,6 ha) có diện tích đất đã cho thuê đạt 220,86 ha. KCN Dệt may Phố Nối diện tích 121 ha, đã cho thuê là 20 ha; KCN Minh Đức diện tích 198 ha, đã cho thuê 39,37 ha; KCN Thăng Long II đã cho thuê khoảng 45,8 ha. Còn lại, hàng chục ngàn m2 đất ở nhiều KCN vẫn đang trong tình trạng hoang hóa từ nhiều năm nay.

Hà Nam là địa phương cửa ngõ, án ngữ phía nam Thủ đô Hà Nội, có ưu thế phát triển KCN, nhưng cho đến nay tỷ lệ phủ lấp KCN bình quân chưa đến 70% (khoảng 265,7 ha). Nhiều KCN có tỷ lệ phủ lấp rất khiêm tốn như Hòa Mạc (rộng 131 ha, nhưng mới cho thuê được 4,8 ha), Đồng Văn II (mới cho thuê được 65,8 ha trong tổng số 320 ha), Châu Sơn (chỉ cho thuê được 36,2/115 ha)…

Tại Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này có khoảng 20 KCN được xây dựng, với tổng diện tích 3.645 ha. Tuy nhiên, mới chỉ có 4 KCN đi vào hoạt động với diện tích cho thuê hơn 810 ha, đạt tỷ lệ khoảng 22%. Ngoài ra, các địa phương tại khu vực này còn lập 177 cụm công nghiệp với diện tích 15.457 ha, nhưng mới có 15 cụm được doanh nghiệp thuê 700 ha, đạt tỷ lệ 4,5%. Điều đáng nói, nhiều địa phương coi việc thành lập các KCN là “thương hiệu” nên cũng cố cho “bằng chị, bằng em” dẫn tới hàng loạt KCN thành lập ra rồi “đắp chiếu để đấy” cho oai.

Điều đáng nói là DT đất quy hoạch KCN tại các địa phương chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, đất hai vụ lúa. Khi nhường lại cho chính quyền địa phương để quy hoạch các KCN, đa phần những người nông dân đều nuôi hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp mai sau đối với con em họ. Tuy nhiên, hi vọng của những người nông dân cho đến giờ vẫn chưa được đền đáp xứng đáng. “Tấc đất, tấc vàng”, không biết hàng ngàn m2 đất “vàng” cả chục năm nay quy hoạch thành KCN rồi bỏ hoang, ai sẽ là người xót xa?

(Theo cafef)

  • 120
  • By Admin
  • 23/05/2011
  • 17