Các Bộ, ngành nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc nhà thu nhập thấp
Chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị là một chương trình an sinh xã hội được xã hội đặc biệt quan tâm. Chính quyền, các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan việc triển khai hai quyết định đề án đều đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này, nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy những ý kiến từ hệ thống ngân hàng là khá đầy đủ và toàn diện.Với chức năng thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước, Ngân hàng phát triển (NHPT) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức phổ biến, hướng dẫn tới các doanh nghiệp (chủ đầu tư) lập hồ sơ vay vốn theo quy định, trên cơ sở đó lập danh mục các dự án triển khai đợt I và đạt một số kết quả bước đầu. Nhưng kết quả đó còn thấp và chậm so với yêu cầu và NHPT cũng đã thẳng thắn nhận thấy còn lúng túng.
Những vướng mắc có thể phân định theo các nội dung chính như sau: Về bảo đảm tiền vay, tại một số địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ ban hành quyết định giao đất để chủ đầu tư triển khai dự án, khi xây dựng xong mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên không có cơ sở pháp lý để ký Hợp đồng tín dụng (do tài sản hình thành trên đất chưa thuộc sở hữu của chủ đầu tư và không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định). Mặt khác, quá trình xây và bán nhà diễn ra trong thời gian dài, giá thị trường biến động, khiến cho việc công chứng để làm thủ tục đăng ký giao dịch khó khăn.
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% và 20% tổng mức đầu tư của các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và trên 20 ha; nhưng trên thực tế đa số các chủ đầu tư đều không bảo đảm được mức vốn quy định nêu trên.
Một vướng mắc phổ biến khác là hầu hết các địa phương đều chưa công bố tiêu chuẩn thế nào là người có thu nhập thấp để làm căn cứ xác định đối tượng được mua nhà. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp muốn vay vốn xây nhà bán cho công nhân và công nhân cũng muốn mua, trong khi quyết định nêu trên chỉ quy định hỗ trợ tín dụng xây nhà cho công nhân thuê.
Về việc xác định giá bán, giá cho thuê, theo quy định thì UBND cấp tỉnh thẩm định giá và việc đó thường chỉ thực hiện khi chủ đầu tư quyết toán công trình. Mặt khác, giá bán, cho thuê căn hộ có ý nghĩa quyết định trong phương án tài chính (được lập và phê duyệt ngay từ đầu) thì lại không thể ổn định trong thực tế suốt quá trình xây dựng, bán và cho thuê. Những lý do nêu trên khiến cho rất khó khẳng định được khả năng trả nợ vốn vay của chủ dự án trước khi quyết định cho vay. Ngoài ra, còn một số vướng mắc khác như: chưa có sự thống nhất về quy mô, tỷ lệ, ngành nghề cho khu kết hợp kinh doanh, vui chơi giải trí trong dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, dễ dẫn đến mất ý nghĩa của mục tiêu xây dựng khu dân cư này...
Những vướng mắc nêu trên cần được tháo gỡ bằng cả các giải pháp tình huống và các giải pháp cơ bản. Ðó là: các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp sớm nghiên cứu trình Chính phủ việc tháo gỡ vướng mắc trong đăng ký giao dịch bảo đảm; UBND cấp tỉnh sớm ban hành 'mức thu nhập thấp' thuộc diện được thuê, mua nhà trong chương trình này; Chính phủ bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để xây nhà cho công nhân mua hoặc thuê; Bộ Xây dựng phối hợp các bộ liên quan để hướng dẫn các địa phương hằng năm ban hành khung giá bán, giá cho thuê đối với nhà ở thu nhập thấp và nhà ở trong khu công nghiệp để thuận lợi cho các giao dịch tín dụng ngân hàng và dân sự.
(Theo nhandan)
- 0
- By Admin
- 27/04/2011
- 17