• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Cả nước có 9.000 tổ chức vi phạm về đất đai

Cụ thể, dự thảo đã chỉ ra, tình trạng tùy tiện và lãng phí trong sử dụng đất diễn ra phổ biến. Trên cả nước, trong số trên 7.000.000 ha đất nhà nước giao và cho các tổ chức thuê, thì có tới hàng trăm nghìn ha sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn trái phép.

Qua thanh kiểm tra trên cả nước, phát hiện gần 9.000 tổ chức vi phạm về đất đai với diện tích hơn 137.000 ha. Trong đó, đã thu hồi đất của trên 900 tổ chức, với diện tích gần 45.000 ha, đang lập hồ sơ thu hồi đất đối với trên 500 tổ chức, với diện tích trên 28.000 ha.

Cùng với đó, tình trạng quản lý, sử dụng đất đai kém hiệu quả diễn ra khá phổ biến. Kết quả kiểm kê ở các nông lâm trường mới đây cho thấy, cả nước có trên 180 lâm trường bị lấn chiếm đất đai với diện tích gần 240.000 ha.

Theo bộ này, những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Vi phạm đất đai còn tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, diễn ra ngày một phức tạp và tinh vi.

Vi phạm đất đai
Hiện nay, cả nước có 9.000 tổ chức vi phạm về đất đai

Tuy nhiên, việc xử lý chưa kịp thời, dứt điểm, hiệu quả xử lý chưa cao. Số trường hợp vi phạm, nhưng chưa được đề xuất xử lý còn nhiều. Nhiều trường hợp, người dân phản ánh về vi phạm về quản lý đất đai, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết hoặc trốn tránh trách nhiệm xử lý.

Số đơn khiếu nại về đất đai chiếm tỷ lệ rất lớn,chiếm hơn 70% trong tổng số đơn khiếu nại được các cơ quan nhà nước tiếp nhận. Trong số này, tập trung vào các lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy đỏ. Ở Một số địa phương, người dân có khiếu nại, tố cáo cán bộ mua bán, chia chác đất công, nhưng cơ quan có thẩm quyền chậm kiểm tra, thanh tra để giải quyết. Có nơi, cán bộ còn trù dập người tố cáo tham nhũng đất đai, gây bức xúc ở địa phương. Việc phát hiện của các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời, nhiều vụ vi phạm nổi cộm được phát hiện chủ yếu thông qua các cơ quan báo chí và khiếu nại, tố cáo của người dân.

Người có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm nhằm trục lợi, đặc biệt là trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy đỏ, bồi thường giải phóng mặt bằng. Điều này gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm về đất đai còn hạn chế.

Vi phạm của cán bộ nhà nước chủ yếu ở các dạng: thu hồi đất không đúng thẩm quyền; thu hồi đất sử dụng vào mục đích trái với quy hoạch; không thực hiện đúng thủ tục thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ và tái định cư; lập hai phương án bồi thường để tham ô.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại về đất đai như: Nhiều dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã lập xong trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa được thực hiện. Nhiều công trình, dự án sử dụng không đúng với quyết định giao đất, cho thuê đất. Giao đất đất để xây dựng công trình, dự án khi chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Sử dụng đất không đúng mục đích được giao. Không sử dụng đất hoặc bỏ hoang. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư  nhiều nơi chưa thực hiện đúng quy định.

  • 117
  • By Admin
  • 22/08/2014
  • 17