CTCP Vạn Đức có bán nhà tại Vân Canh “trên giấy”?
Vậy thực hư sự việc này thế nào? Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã vào cuộc tìm hiểu sự việc…Liệu có vi phạm?
Theo thông tin dư luận, bản vẽ quy hoạch 1/500 mà CTCP Vạn Đức đưa ra chưa có cơ quan chức năng nào đóng dấu. Số tiền được cho đã nộp cho Công ty tổng cộng nhiều tỉ đồng để được mua những lô đất liền kề ở xã Vân Canh. Duy nhất một người góp vốn đầu tư là ông Phạm Quý Kha ở khu chung cư 9 tầng (Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng.
Trước đó, ngày 08/6/2009, Công ty TNHH XD&TM Ngân Hằng (trụ sở ở xã Xuân Phương, Từ Liêm) và CTCP Vạn Đức có ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo hợp đồng này, bên B (Công ty Vạn Đức) có nhiệm vụ nhận mọi thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án từ đang làm dịch vụ sinh thái (với tên gọi: Dự án đầu tư xây dựng khu sinh thái Ngân Hằng ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) thành dịch vụ nhà ở (với tên gọi: Khu dịch vụ và nhà ở Lê Trọng Tấn), có quyết định thu hồi đất của UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty Ngân Hằng và Công ty Ngân Hằng (bên A) vẫn là chủ đầu tư. Hiện Công ty Vạn Đức đã kêu gọi một số cá nhân góp vốn đầu tư vào dự án.
Ông Phạm Quý Kha, người duy nhất có đơn phản ánh cho rằng: Giá thoả thuận là 26 triệu đồng/m2, nhưng trong hợp đồng lại chỉ ghi giá 18 triệu đồng/m2. Vì vậy, khi ông Phú nộp tiền đặt cọc là 1,7 tỉ đồng, thì phiếu thu chỉ ghi có 900 triệu đồng, còn lại 800 triệu đồng không có phiếu thu và cũng không có phiếu biên nhận gì.
CTCP Vạn Đức khẳng định đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án trong đó có bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. |
Đâu là sự thật?
Để có thông tin đa chiều về sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Đặng Trần Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Vạn Đức. Về việc người dân tố cáo CTCP Vạn Đức đã tự ý vẽ bản thiết kế tỷ lệ 1/500 để thu tiền của người dân góp vốn mua các khu đất liền kề của dự án khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Ông Phú khẳng định: Thông tin cho rằng CTCP Vạn Đức lừa đảo là không có cơ sở, việc Công ty Vạn Đức và Công ty Ngân Hằng ký hợp đồng hợp tác đầu tư là có thật. Theo hợp đồng này, Công ty Vạn Đức có nhiệm vụ làm mọi thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 5,1ha đất của Công ty Ngân Hằng từ dịch vụ sinh thái (với tên gọi Dự án đầu tư xây dựng khu sinh thái Ngân Hằng ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh) thành dịch vụ nhà ở (với tên gọi Khu dịch vụ và nhà ở Lê Trọng Tấn).
Sau khi thực hiện xong việc chuyển đổi này, Công ty Vạn Đức sẽ được quyền "huy động vốn bằng những căn hộ liền kề". Nếu hết 6 tháng, Công ty Vạn Đức không làm xong thủ tục chuyển đổi thì bản hợp đồng trên không có giá trị. Tuy nhiên, thời điểm đó, do tỉnh Hà Tây nhập về Hà Nội và nhiều yếu tố khách quan nên việc thực hiện hợp đồng này theo đúng tiến độ (6 tháng) là không khả thi nên sau đó hai bên đã đồng ý ký hợp đồng thời hạn 10 năm cũng với nội dung trên.
Căn cứ vào phương án được chọn của bản “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050”, với vị trí của dự án được xác định trong Công văn số 3509/QHKT-P5 của sở Quy hoạch kiến trúc gửi UBND TP. Hà Nội trả lời về việc chuyển đổi mục đích Dự án đầu tư xây dựng khu dịch vụ sinh thái Ngân Hằng là: Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ Xây dựng và liên danh tư vấn PPJ báo cáo Thường trực Chính phủ lần 3 ngày 27/11/2009, khu dịch vụ sinh thái Ngân Hằng được xác định nằm trong khu vực định hướng phát triển đô thị trung tâm khu vực vành đai 3 đến vành đai 4. “Công ty chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế lập hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án trong đó có bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để trình lên sở, ban, ngành xin chuyển đổi mục đích theo đúng quy định của pháp luật và đúng theo nội dung hợp đồng hợp tác với Công ty Ngân Hằng” – ông Phú khẳng định.
Về việc người dân đóng tiền mua các lô đất liền kề dự án, vị Chủ tịch này cho hay: “Hoàn toàn không phải là chúng tôi bán mà là các hợp đồng góp vốn nội bộ, sau này có một số người chuyển hợp đồng góp vốn cho người thân, bạn bè… (dẫn đến chênh lệch số tiền trong phiếu thu và thực tế như ông Kha tố cáo-PV) tuyệt đối không có chuyện chúng tôi bán và người dân mua. Việc đầu tư góp vốn giữa hai bên là hoàn toàn tự nguyện, có thưởng phạt, lãi suất rõ ràng, tất cả các nhà đầu tư của chúng tôi không hề có ý kiến gì về việc này, duy nhất có một người viết đơn thư, cung cấp các thông tin không chính xác về dự án”.
Khi phóng viên hỏi về vụ việc ông Đặng Trần Phú làm Chủ nhiệm HTX Xuân Thành không minh bạch trong việc chuyển đổi mục đích kinh doanh của HTX, ông Phú thừa nhận: “Theo quy định thì chúng tôi cần lấy ý kiến xã viên sau đó mới xin cấp đổi mục đích kinh doanh của HTX. Tuy nhiên, sau khi dùng nguồn vốn kinh doanh của công ty để đầu tư dưới hình thức nhận chuyển nhượng 100% phần góp vốn và 100% tổng số tài sản của HTX cũng như quyền nắm giữ vốn của thành viên sáng lập góp vào HTX Xuân Thành với giá trị là 8 tỷ đồng thì chúng tôi thay đổi đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của công việc là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, trong nội bộ Công ty có một cá nhân được tôi ủy quyền cùng đứng tên trong HTX đã bỏ đi khỏi công ty, nhiều lần triệu tập để giải quyết không được và hiện nay công ty chúng tôi đã có đơn đề nghị Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ về vụ việc này. Chúng tôi đã tin tưởng bộ phận tham mưu, tư vấn nên làm thủ tục và được UBND huyện Từ Liêm chấp nhận không có chuyện làm giả hồ sơ. Nếu có chăng trong thủ tục hành chính, chúng tôi đã bỏ qua bước lấy ý kiến xã viên vì tất cả các xã viên đã thông qua người đại diện là ông Lý Đình Sang chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình cho chúng tôi …”
Như vậy đã rõ, không có việc Công ty Vạn Đức tự vẽ bản quy hoạch 1/500 và lừa người dân bán nhà “trên giấy” để thu lợi bất chính. Tuy nhiên lúc này, dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội đang tiến hành điều tra, chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc nhưng phần lớn tài liệu của vụ án đã được dư luận biết đến (?!).
(Theo KTNT)
- 0
- By Admin
- 30/11/2010
- 17